Công Ty TNHH TV XD và TM Bình Hoa

VP TP. HCM - HCMC Office :
327/9B/16 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh Tp.HCM HP0903967439 email : hdangbinh@gmail.com
Facebook:
http://www.facebook.com/binhhoasaigon
http://www.facebook.com/binhhoacompany

Thứ Ba, 28 tháng 7, 2009

Tám ý tưởng làm mới không gian sống

Thứ Bảy, 18/07/2009, 15:27

Tám ý tưởng làm mới không gian sống

TTO - Một chút sáng tạo cộng thêm một chút khéo léo sẽ giúp bạn nhanh chóng làm mới không gian sống theo phong cách hiện đại. Đặc biệt, ngôi nhà của bạn sẽ mang những nét lạ mắt, độc đáo mà không hề tốn kém.

1. Tận dụng ánh sáng từ gương

Để làm sáng không gian, bạn không chỉ có một lựa chọn duy nhất là sử dụng ánh sáng của đèn điện, ngược lại việc dùng một chiếc gương không chỉ giúp đem lại hiệu quả ánh sáng mà còn góp phần trang trí làm đẹp thêm căn phòng.

Không dừng lại ở đó, một tấm gương lớn còn được xem là ý tưởng sáng tạo độc đáo dành cho không gian nhỏ vì gương có tác dụng cải thiện diện tích nhỏ hẹp.

2. Rèm cửa tinh tế

Những tấm rèm tiện ích không chỉ có tác dụng trang trí cho căn phòng mà còn giúp bạn có thể dễ dàng điều chỉnh ánh sáng tự nhiên.

Ở ví dụ này, màu xanh dương dịu mát sẽ làm bạn luôn có cảm giác mát mẻ, thư giãn, nhất là vào những ngày hè nóng nực.

3. Màu vàng sang trọng

Hãy làm mới phòng ngủ của bạn bằng cách bố trí lại những vật dụng trong phòng và kết hợp chúng sao cho hài hòa cả về kích thước và màu sắc.

Những bức tranh vuông nhỏ cùng kích thước với gam màu nổi trội là màu vàng có ảnh hưởng không nhỏ tới yếu tố thẩm mỹ của căn phòng.

Màu chủ đạo của căn phòng là màu vàng nhạt, tạo nên sự ấm cúng, lãng mạn và sang trọng.

4. Mới lạ từ những vật dụng cũ

Đừng vội vứt đi những món đồ cũ vì cho rằng chúng đã hết tác dụng và “quá hạn” sử dụng. Trái lại, một chút tinh tế và sáng tạo trong cách bố trí, sắp xếp chúng sẽ giúp căn phòng của bạn trông thật mới lạ.

Những chiếc sofa cổ kết hợp một chiếc tủ cũ, chiếc bàn không mới và những chiếc rổ mây cũng... cũ được sắp đặt một cách rất hệ thống, “chuyên nghiệp” tạo nên phong cách độc đáo cho căn phòng.

Một căn phòng như ví dụ này có thể sử dụng để tiếp những vị khách thân thiết của gia đình hoặc dùng để làm phòng đọc cũng rất lý tưởng.

5. Lạ mắt với gốm sứ

Những chiếc bát, đĩa bằng gốm sứ giờ đây không chỉ là vật dụng được sử dụng trong gian bếp mà còn có thể trở thành những vật dụng trang trí rất lạ mắt nếu bạn có một chút ý tưởng.

Bạn có thể dùng những chiếc đĩa sứ có hoa văn cổ gắn trên tường để thay thế việc treo những bức tranh, rất sáng tạo mà lại không tốn kém.

Có thể dùng bát, đĩa, bình, lọ từ gốm sứ để trang trí, nhưng hãy nhớ chọn các loại có cùng hoa văn và cùng tông màu bởi chúng sẽ hiệu quả và giúp việc trang trí ngôi nhà của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn rất nhiều.

6. Làm mới trần nhà

Nếu bạn cảm thấy căn phòng thật lạnh lẽo và cho bạn cảm giác nhàm chán vì màu trắng của trần nhà thì tại sao lại không thử cách điệu nó nhỉ?

Hãy thử thay trần nhà màu trắng bằng màu xanh nhạt của da trời, sau đó thay đổi cả tường, rèm cửa, chăn drap đệm gối với những gam màu tương tự bạn sẽ cảm nhận như mình đang hòa vào thiên nhiên đất trời.

7. Bàn ăn cách điệu

Hãy thay việc sử dụng nhiều chiếc ghế con bằng việc dùng hai chiếc ghế dài kết hợp cùng với bàn ăn. Điều này không chỉ giúp chủ nhân có thể tiết kiệm được không gian cho phòng bếp mà còn là một ý tưởng mới mẻ trong việc trang trí.

8. Thiên nhiên quyến rũ

Không nhất thiết phải xài những chiếc đèn chùm cao cấp đắt tiền mới giúp không gian của bạn trở nên bừng sáng. Trái lại chỉ với một chiếc túi thô đơn giản, cộng thêm một chút khéo léo và sáng tạo bạn đã có được một chiếc đèn lạ mắt, hiếm thấy.

HÀ THU (Theo MC)

source

http://diaoc.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=327020&ChannelID=368

Thứ Sáu, 24 tháng 7, 2009

Phong thủy trong thiết kế phòng khách

Thứ Sáu, 22/05/2009, 00:03

Phong thủy trong thiết kế phòng khách

TTO - Phòng khách thường được xem là không gian quan trọng nhất trong nhà. Theo nguyên lý phong thủy, phòng khách nên được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà vì đây là căn phòng tụ nhiều vượng khí nhất.

Phòng khách với các mảng cửa sổ lớn mở rộng không gian

Bố trí

Phòng khách là chỗ tụ khí của ngôi nhà nên luôn phải duy trì sự ổn định. Vì thế phòng khách phải là một phòng vuông vức, không góc nhọn, không bố trí đường nội bộ hay hành lang xuyên phòng khách.

Nếu căn phòng không được vuông vắn, hãy đặt một chậu cây ở góc nhọn để khí không bị ứ đọng, dồn nén vào một chỗ.

Lò sưởi có thể là lò thật hoặc cũng có thể chỉ mang tính trang trí, làm đẹp phòng khách

Để căn phòng trở nên ấm áp, nhiều gia đình đã thiết kế thêm lò sưởi. Lò sưởi có thể là lò thật hoặc cũng có thể chỉ mang tính trang trí. Tuy nhiên, đây chính là điểm nhấn trang trí đẹp mắt, tạo nên không khí thân mật không thể thiếu trong phòng khách.

Ánh sáng

So với các phòng khác, phòng khách phải là nơi tiếp nhận nhiều ánh sáng nhất, vì thế không được để phòng khách u tối, thiếu ánh sáng mặt trời. Khi thiết kế cửa chính và cửa sổ cho phòng khách nên để độ rộng tối đa.

Không gian rộng, tràn ngập ánh sáng trong phòng khách

Để có nguồn ánh sáng tự nhiên, hiện nhiều gia đình không xây tường bao mà dùng vách kính, hệ thống rèm để ngăn phòng khách với không gian sân vườn bên ngoài, vừa hấp thụ tối đa ánh sáng thiên nhiên, vừa thư giãn với tầm nhìn cây xanh, tiểu cảnh bên ngoài.

Thiết kế trần

Trước kia, người ta thường trang trí trần phòng khách bằng các hình hoa văn nổi công phu bằng thạch cao. Đối với những ngôi nhà có trần cao thì hoa văn này sẽ rất đẹp. Tuy nhiên, về mặt phong thủy thiết kế trần nhà như vậy sẽ khiến ngôi nhà như có vật gì đè nặng, kiềm hãm vận khí.

Trần nhà được cách điệu theo kiểu trần “thiên trì”

Hiện nay, khi thiết kế trần, các kiến trúc sư thường chọn loại trần ốp thạch cao nhưng để lại mảng giữa cao hơn phần khung viền xung quanh. Các thiết kế này cũng rất thuận lợi trong việc bố trí các loại đèn âm trần rất đẹp.

Ngoài ra, việc tạo mảng cao thấp cũng tạo ra hình ảnh ẩn dụ như một cái ao trên trần nhà. Theo phong thủy, đây là kiểu trần “thiên trì” - ao trên trời, nếu được gắn thêm đèn chùm thủy tinh, pha lê có màu vàng sẽ có thêm tác dụng “rồng điểm nhãn” cho vận khí ngôi nhà rất tốt cho gia chủ.

Màu sắc

Màu sắc của phòng khách mang ý nghĩa chủ đạo, có tác dụng điều hòa tất cả các màu sắc trong ngôi nhà. Khi chọn màu sàn và sơn tường nhà cần lưu ý, sàn nhà nên có màu đậm nhất, kế đến là tường và cuối cùng là trần nhà có màu nhạt nhất theo ý nghĩa cổ xưa: trời nhẹ, đất nặng.

Sàn nhà có màu sắc đậm, trần nhà màu sắc dịu nhẹ với ý nghĩa "trời nhẹ, đất nặng"

Mặt khác, trần nhà có màu sáng sẽ tạo cảm giác không gian rộng rãi, thoáng mát khi vào phòng. Màu sơn tường nên chọn xanh nhạt, vàng chanh, hồng phấn, tạo cảm giác mát dịu cho căn phòng.

KTS. TẠ THANH TÚ
(Công ty CP Kiến trúc DMC Việt Nam)
Ảnh: VŨ VI, T.L.
source
http://diaoc.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=317100&ChannelID=368

Thứ Năm, 23 tháng 7, 2009

Bếp nhỏ, ý tưởng lớn

Bếp nhỏ, ý tưởng lớn

TTO - Bạn đừng thất vọng nếu mình không sở hữu một nhà bếp lớn. Căn bếp này chỉ rộng khoảng 3m2 nhưng nó là kết quả của sự lựa chọn cẩn thận cả hai yếu tố: vẻ đẹp và sự tiện ích. Tương tự, bạn sẽ có một phong cách lớn từ những không gian nhỏ thông qua các thiết kế kỹ lưỡng.

Mở rộng gian bếp của bạn

Sự đổi mới một cách khoa học sẽ giúp căn bếp nhỏ này trông lớn hơn

Biến một gian bếp rộng 3mx3m và một không gian nhỏ hẹp chật chội thành một căn bếp biệt thự rộng 360m2 là điều không thể. Tuy nhiên, với nhà thiết kế Sue Shinneman, các gói thiết kế nhỏ sẽ tạo ra những lợi ích không ngờ.

“Lớn hơn không phải lúc nào cũng tốt hơn”, đó là phương châm mà nhà thiết kế đã ứng dụng cho việc cải tạo căn bếp nhỏ này. Nhỏ nhưng "nhận được nhiều hơn" khi bạn biết sử dụng một cách hợp lý các không gian sẵn có và biến chúng trở nên hữu ích. "Một nhà bếp rộng thật lý tưởng, nhưng đôi khi bạn cứ phải chạy đi chạy lại để làm việc” - cô nói.

Không gian nhà bếp có thể được mở rộng bằng mắt chỉ với việc sắp xếp lại một số yếu tố, ví dụ như một quy mô nhỏ hơn nhưng sẽ có thêm nhiều ánh sáng hơn và các khoang tủ để đồ được đặt đóng riêng. Các khoang tủ treo bám vào trần nhà trong sự hòa trộn giữa màu sáng của chất liệu gỗ và sự phản chiếu ánh sáng của inox sẽ giữ nhà bếp luôn sạch sẽ và tạo cảm giác mở cho không gian.

Ý tưởng lớn

Không cần thêm một inch, Shinneman đã giúp chủ nhà tạo ra một căn bếp mới hoàn toàn mới mẻ về mặt hình thức và sự tiện ích. Và dưới đây là tám lời khuyên, những ý tưởng mà bạn có thể ứng dụng để cải tạo không gian bếp nhà mình.

1. Sắp xếp lại đồ đạc:

Không chỉ tiện nghi mà căn bếp nhỏ này còn được trang trí rất đẹp

Khi tôi thấy cách bố trí của căn bếp nó dường như khá chật, Shinneman nói, tủ lạnh được đặt chắn ngay bên lối cửa ra vào và trông như đâm vào mắt. Một chiếc kệ nhỏ bên cạnh tủ lạnh đã bị chặn lại bởi các trang thiết bị lớn, và chỉ có duy nhất một chỗ có thể làm việc được bên cạnh bếp. Shinneman xoay lại tủ lạnh và sắp xếp đồ đạc vào các vị trí một cách có thứ tự để tạo ra nhiều nhất có thể các khoảng không gian trống nhằm làm nhà bếp điều hướng dễ dàng hơn.

2. Lựa chọn các trang thiết bị thon mảnh:

Khi mua sắm, Lewis đã bị hấp dẫn bởi một lò bếp loại chuyên nghiệp. Thật may mắn, bếp chỉ rộng hơn 70cm. Chiếc tủ lạnh màu ánh thép với chân đế cũng rộng và hẹp hơn và nông hơn so với diện tích cũ.

3. Sắp đặt ưu tiên:

Công việc tạo mới bắt đầu khi họ hi vọng có thể bỏ đi chiếc lò vi sóng ở trên kệ. “Đầu tiên, chúng tôi quyết định phải bỏ đi chiếc lò vi sóng và thay vào đó bằng một cái khung ở bên trên cái lò… nhưng mọi thứ đã trở nên lộn xộn và không còn phù hợp nữa”, Lewis nói. “Cuối cùng, chúng tôi quyết định để trống chỗ đó. Lò vi sóng thì làm gì chứ?”. “Bây giờ, nó đã bị đưa ra khỏi nhà bếp. Sau khi chúng tôi đã sắp xếp lại đồ đạc, chúng tôi tự hỏi mình cần thứ đó để làm gì? Tại sao lại phải lãng phí không gian?”.

4. Mở rộng với sự phản chiếu bề mặt:

"Chúng tôi dùng các cánh cửa bằng thép inox ở các khoang tủ treo nhằm tạo ra một sự phản chiếu chất lượng - Shinneman nói - Tất cả các chất liệu inox sẽ giúp mở rộng không gian ra thêm một chút. Tương tự, các loại kệ bằng inox cũng tạo ra khuôn mẫu làm tối thiểu hóa sự hỗn tạp”.

5. Đặt đóng các khoang tủ cất đồ riêng:

Giá tủ kéo ở bên cạnh máy rửa chén của khoang tủ bếp sẽ làm tăng khả năng lưu trữ và sự tiện dụng

Shinneman đã thiết kế các khoang tủ treo tới sát trần nhà để tối đa hóa việc cất giữ đồ. “Chúng tôi đã treo tủ cao hơn so với quầy bếp để có thêm không gian làm việc", cô nói. Tủ treo cũ chỉ sâu hơn 40cm và bây giờ tủ treo mới là 35cm chiều sâu. Bằng cách này bạn có thể nhìn thấy bề mặt của quầy bếp rõ ràng hơn.

Một số giá tủ kéo ở bên cạnh của khoang tủ bếp sẽ làm tăng khả năng lưu trữ và sự tiện dụng. Hai chiếc ngăn kéo hẹp nằm bên sườn trên của quầy tủ bếp rất tiện dụng cho việc cất giữ gia vị và dầu ăn.

6. Đưa ánh sáng vào:

Chủ nhà rất thú vị với việc ngắm cảnh vật bên ngoài nhà bếp qua một chiếc cửa sổ mới, cao, hai cửa kéo nằm ở phía trên của quầy tủ bếp làm tăng thêm ánh sáng. Ở bên dưới quầy tủ bếp là ánh sáng của đèn halogen, nơi hốc tường, hộc tủ cũng được chiếu sáng cùng với thứ ánh sáng này là hai chiếc đèn dây treo màu xanh cô-ban ở phía trên chậu rửa sẽ giữ cho căn phòng vẻ tươi sáng.

7. Hãy sử dụng màu sắc:

Những vạch màu tươi sáng làm tăng thêm sự vui tươi cho khoảng không khá chật chội. Nhà thiết kế đã chọn những viên đá lát bằng gốm với ba màu xanh ngọc, xanh dương và màu xanh thẳm sâu của biển cả để trang trí tường. “Mọi thứ đều rất hấp dẫn và dễ thương như tôi cần sắp xếp. Tôi thích sự dữ dội cửa những viên đá lát tường” - cô nói.

8. Đừng ngại trang hoàng:

Ba màu xanh của những viên gạch gốm được sắp xếp ngẫu nhiên tạo một vẻ đẹp tự nhiên

Các món đồ gốm như lọ gia vị, bình uống nước và những chiếc đĩa lót mà chủ nhà đã tự làm ở trong xưởng của mình sẽ mang đến sự lối cuốn kỳ diệu.

Việc trang trí đồ đạc và các chi tiết trong không gian nhà bếp cũng được thực hiện một cách điệu nghệ. Tay nắm hình tam giác trên các ngăn kéo tủ nằm ngang, tay nắm hình vuông trên các cánh tủ treo và quầy bếp bằng kim loại màu đen sẽ tạo cho căn nhà một phong cách đặc biệt riêng...

T.TRẦN - VŨ VI (Theo BHG)
source
http://diaoc.tuoitre.com.vn/tianyon/Index.aspx?ArticleID=286718&ChannelID=368

Chủ Nhật, 19 tháng 7, 2009

Phong thủy trên giường

July 17, 2009

Phong thủy trên giường

Andrew Lưu-Việt Tribune

Trong cuộc đời này có nhiều thứ rất quý giá mà chúng ta không nhận ra được giá trị của chúng cho đến khi nào chúng ta đánh mất chúng. Chúng tôi muốn nói đến sức khoẻ, thời gian, và mối quan hệ giữa ta và người thân trong gia đình, bạn bè và những người chung quanh. Hành nghề địa ốc trong nhiều năm nay, chúng tôi nhận thấy “people skills” rất quan trọng, không chỉ cho những ai phải tiếp xúc hàng ngày với quần chúng như chúng tôi mà còn cho tất cả mọi người. Dù muốn hay dù không, chúng ta vẫn phải “deal” với mọi người chung quanh một khi chúng ta còn sống trong thế giới này. Trong giữa thập niên 1980, có một cuốn sách mỏng mang tựa đề “All I Really Need to Know I Learned in Kindergarten” bán rất chạy và được xếp vào danh sách “bestsellers”.

Hình Minh họa. Photos.com

Trong cuốn sách này, tác giả Robert Fulghum cho rằng thế giới này sẽ trở nên một nơi đáng yêu hơn nếu người lớn biết cư xử với nhau theo những điều mà họ đã học được từ lớp mẫu giáo tức “kindergarten” khi họ còn bé tí tẹo. Nhân dịp thằng con trai út của chúng tôi vừa “tốt nghiệp” mẫu giáo cách nay chưa đầy một tháng, chúng tôi mạn phép trích dẩn nguyên văn một đoạn trong quyển sách vừa kể để xem con chúng tôi đã học được những gì mà chúng ta cần phải “bắt chước”:
“Share everything.
Play fair.
Don’t hit people.
Put things back where you found them.
Clean up your own mess.
Don’t take things that aren’t yours.
Say you’re sorry when you hurt somebody.
Wash your hands before you eat.
Flush.
Warm cookies and cold milk are good for you.
Live a balanced life – learn some and think some and draw and paint and sing and dance and play and work every day some.
Take a nap every afternoon.
When you go out into the world, watch out for traffic, hold hands, and stick together.
Be aware of wonder. Remember the little seed in the Styrofoam cup: The roots go down and the plant goes up and nobody really knows how or why, but we are all like that. Goldfish and hamsters and white mice and even the little seed in the Styrofoam cup – they all die. So do we. And then remember the Dick-and-Jane books and the first word you learned – the biggest word of all – LOOK.”

Xét cho cùng, những điều mà tác giả Robert Fulghum đưa ra thật sự rất là cơ bản, tuy nhiên thực hiện chúng đôi khi không phải là chuyện dễ.
Cách đây tương đối khá lâu, chúng tôi đã viết một loạt bài về phong thủy và được nhiều độc giả yêu thích và đóng góp ý kiến. Trong bài viết “Địa Ốc & Đời Sống” tuần này, chúng tôi trở lại đề tài phong thủy, nhưng chỉ chú trọng về vị trí của giường ngủ và những điều cấm kỵ. Bài viết này được dựa theo những thông tin trên mạng điện toán, và cũng như những lần trước từ “Feng Shui, Arranging Your Home to Change Your Life” của Kirsten M. Lagatree.

Điều cấm kỵ 1: Đầu giường không kê sát vào đâu cả
Nếu đầu gường hay “headboard” không được kê sát vào tường hay tủ quần áo sẽ tạo cho bạn cảm giác cô đơn, trống vắng vì thiếu điểm tựa.
Cách hóa giải: kê đầu gường hay “headboard” áp sát vào tường hoặc tủ quần áo.

Điều cấm kỵ 2: Giường nằm dưới đà ngang
Nếu giường ngủ đặt dưới đà lộ diện (exposed beam), bạn sẽ có cảm giác như luôn bị đè nén hay đe dọa. Trong trường hợp đà cắt ngang giường, những bộ phận cơ thể nào bị bóng đà cắt ngang sẽ có thể bị ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bộ phận đó. Trong trường hợp đà chia cắt giường ngủ ra làm đôi, vợ chồng ngủ trên giường đó có thể bị ảnh hưởng xấu về hạnh phúc hôn nhân, có thể dẩn đến sự chia tay, tan rã.
Cách hóa giải: Di chuyển giường đến nơi khác để tránh không nằm dưới đà, hay làm trần giả để che lấp cây đà. Trong trường hợp của một căn “townhouse” trong khu Summerton mà khách hàng của chúng tôi đến xem, phòng ngủ trên lầu có cây đà chạy giữa trần nhà khiến việc di chuyển giường trở thành vô ích. Cách hóa giải tốt nhất là treo 2 cây sáo trúc trên tường ở 2 đầu của đà và chỉ thẳng về hướng của cây đà.

Điều cấm kỵ 3: Đầu gường kê sát bếp
Nếu phòng ngủ của bạn nằm ngay cạnh bếp, bạn không nên kê đầu giường sát vào tường bếp. Lý do hơi nóng của bếp lò thuộc về “hỏa” và “hỏa” dễ sinh bệnh, nhất là bệnh về tim, gan, đồng thời cũng làm bạn dễ trở nên nóng nảy, giận dữ. Cách hóa giải: Cố gắng kê gường càng xa tường bếp càng tốt.

Điều cấm kỵ 4: Đầu giường hướng thẳng về phòng vệ sinh
Nếu cửa phòng vệ sinh hướng thẳng vào đầu giường ngủ, mùi xú uế và tiếng nước dội (flush) sẽ làm bạn mất ngủ và căng thẳng thần kinh, cũng như mang đến cho bạn những điều không hay.
Cách hóa giải: Di chuyển đầu giường ngược lại, đồng thời luôn luôn đóng cửa nhà tắm trừ phi lúc ra vào. Nên giử nhà tắm/phòng vệ sinh sạch sẽ, thơm tho, và nhớ đậy nắp bồn vệ sinh (toilet) mỗi khi sử dụng xong.

Điều cấm kỵ 5: Đầu giường hướng về gương lớn
Trong phong thủy, gương đóng một vai trò tích cực. Tuy nhiên, gương lớn trong phòng ngủ lại là một điều đại kỵ vì phong thủy cho rằng gương lớn trong phòng ngủ, dù nằm ở bất cứ hướng nào của giường, sẽ mang ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống tình cảm vợ chồng, tài vận và đường con cái của bạn.
Cách hóa giải: Nếu phải có gương trong phòng ngủ (vì một lý do nào đó chăng?), bạn nên đặt gương nơi kín đáo không phản chiếu giường. Nhiều nhà có phòng ngủ chật hẹp thường gắn gương hay kiếng trên cửa của “closet” để tạo ảo giác rộng lớn. Nếu bạn mua những nhà có “closet mirror”, bạn nên làm màn vải để che gương lại.

Điều cấm kỵ 6: Đầu gường hướng ra cửa phòng
Đầu giường hướng thẳng ra cửa ra vào dễ làm bạn mất ngủ, hồi hộp, đồng thời có thể đưa đến việc trí nhớ bị giảm sút.
Cách hóa giải: Di chuyển đầu gường đến vị trí khác. Nên nhớ kê gường lệch một góc với cửa ra vào, để tránh đối diện.

Điều cấm kỵ 7: Đầu giường bị nắng chiếu vào
Nguồn sáng mạnh chiếu vào đầu giường được xem là “hung quang” trong phong thủy. Bạn dễ bị nhức đầu, đồng thời trở thành cáu kỉnh và nóng nảy. Riêng đối với các bạn còn tự do bay bướm, nắng chiếu vào đầu gường còn có ảnh hưởng xấu đến số đào hoa của bạn.
Cách hóa giải: Nếu không thể dời giường đến vị trí khác, bạn nên mắc màn che nắng hay “blinds” để tránh ánh nắng chiếu vào và chỉ mở màn hay “blinds” vào buổi tối mà thôi.

Chúng tôi hy vọng bài viết về phong thủy lần này sẽ giúp bạn một phần nhỏ trong việc trang trí trong nhà, cũng như lựa chọn một căn nhà hợp với phong thủy. Chúng tôi sẳn sàng giúp bạn xem nhà và góp ý kiến thô thiển về phong thủy của chúng tôi khi cần thiết. Xin thưa trước rằng chúng tôi chưa bao giờ được huấn luyện hay học tập để trở thành Thầy Phong Thủy, những kiến thưc về phong thủy mà chúng tôi có được chẳng qua lượm nhặt từ sách vở “over the counter” mà chúng tôi đã có dịp đọc, và đó là “disclaimer” của chúng tôi!
—————-——————————————————————————————
Andrew Nhân Lưu, một REALTOR® cộng tác lâu năm với công ty địa ốc Tuscany Real Estate Services, đã giúp rất nhiều thân chủ thành công trong việc mua nhà “bank owned” và “short sale” trong thời gian gần đây. Xin liên lạc trực tiếp với Andrew Nhân Lưu tại andrewl@tuscanyre.com hay (408) 896-7388 khi quý bạn đọc có những nhu cầu, thắc mắc về địa ốc, hay có những ý kiến đóng góp về bài viết này.

SOURCE

Viet Tribune Online

Thứ Tư, 15 tháng 7, 2009

Kim loại - từ A đến Z

Ngày 07.07.2009 Giờ 15:31

Kim loại - từ A đến Z

Kiến trúc & Đời sống - Kim loại có mặt trong công trình kiến trúc với nhiều vai trò và làm cho diện mạo kiến trúc ngày càng phong phú hơn. Việc sử dụng vật liệu kim loại có thể là một sự lựa chọn, nhưng cũng có thể là một điều tất yếu có tính bắt buộc

Kim loại dùng để làm gì trong nhà?

Lan can thép, tay vịn và thềm gỗ theo xu hướng “kim - mộc song hành”

Kết cấu chịu lực

Các dạng kết cấu gạch đá, khung gỗ… đang lùi dần vào quá khứ do nhược điểm của chính kết cấu và vật liệu làm kết cấu mang lại. Với các dạng kết cấu phổ biến hiện nay là kết cấu thép, kết cấu bê tông cốt thép, các biến thể như kết cấu vỏ mỏng, dây treo… đều sử dụng kim loại (thép) ở một tỷ lệ nhất định cho tới toàn bộ và đóng vai trò hết sức quan trọng.

Thép có thể tham gia ở tất các các cấu kiện của hệ kết cấu như móng, cột, dầm, sàn, mái và có thể kết hợp linh hoạt với nhiều dạng kết cấu, vật liệu khác.

Hàng rào, hoa sắt

Hàng rào là nơi kim loại có mặt sớm cùng với kết cấu. Hàng rào bằng thép có ưu điểm bền chắc, thoáng, không hạn chế tầm nhìn. Ở một góc khác, hàng rào và cổng thép dễ tạo hình để tạo nên hiệu quả thẩm mỹ kiến trúc cho mặt đứng công trình. Đa phần các công trình công cộng và biệt thự người Pháp xây dựng ở Việt Nam đều sử dụng hàng rào thép. Hoa sắt là tên gọi chung để chỉ kết cấu kim loại ở cửa hay ô thoáng nhằm tăng cường an ninh. Cũng như hàng rào, hoa sắt dễ tạo hình kết hợp với cửa để tăng tính thẩm mỹ.

Mái

Kim loại được sử dụng làm mái ngày càng nhiều do ưu điểm nhẹ, sản xuất lắp dựng và cả tháo dỡ đều thuận tiện. Cả khung kết cấu và vật liệu che phủ mái đều có thể làm bằng kim loại. Hệ kết cấu giàn thép không gian có thể cho phép vượt được những nhịp lớn. Kết cấu mái bằng thép có thể thay thế tương đương kết cấu truyền thống bằng gỗ, và có thể kết hợp với nhiều loại vật liệu như ngói, tấm lợp kim loại hay kính.

Cửa, cổng

Trước kia, cửa được làm bằng gỗ với phương thức thủ công. Nhưng thực tế hiện nay, với yêu cầu sản xuất công nghiệp số lượng lớn, cùng với việc tài nguyên rừng đang cạn kiệt thì cửa kim loại là thay thế tất yếu. Hiện nay có nhiều dạng cửa kim loại như cửa thép, cửa nhựa lõi thép, cửa nhôm… Các loại cửa này hay được kết hợp với vật liệu kính.

Cổng và hàng rào thép được sử dụng nhiều trong biệt thự mới theo phong cách hiện đại. Thép cũng được sử dụng như một thành phần trang trí mặt đứng công trình

Tường, vách ngăn, trần

Trong kiến trúc hiện đại, các kết cấu bao che, ngăn chia bằng tường xây truyền thống đã được thay thế rất nhiều bằng vật liệu khác – đặc biệt trong các công trình công cộng. Thép và kính là giải pháp mặt đứng được ứng dụng rộng rãi trong nhà cao tầng. Với những công trình cần sự ngăn chia linh hoạt như văn phòng, vách thạch cao khung xương kim loại là giải pháp phổ biến. Kim loại cũng được sử dụng cho kết cấu trần hay chính bề mặt trần.

Cầu thang

Cầu thang thép ngày càng được sử dụng nhiều hơn do tính thẩm mỹ (so với bê tông, gạch xây) và bền vững hơn so với gỗ. Các bộ phận cầu thang đều có thể có mặt kim loại như bậc, lan can – tay vịn. Trong nhà ở dân dụng hiện nay, đang tồn tại xu hướng kết hợp “kim – mộc song hành”, kết hợp sắt và gỗ. Việc phối hợp này phát huy được tối đa ưu điểm của mỗi loại vật liệu và cho hiệu quả thẩm mỹ cao. Những bộ phận không nhất thiết phải làm bằng gỗ có thể thay thế bằng thép, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng.

Đồ đạc nội thất

Cũng theo xu hướng “kim – mộc song hành”, sự xuất hiện kim loại trong nội thất cùng gỗ ngày càng nhiều. Đó cũng là một giải pháp hợp lý trên nhiều phương diện để tận dụng ưu điểm của kim loại (thép, nhôm, inox) khi kết hợp với gỗ, cùng các vật liệu khác như nhựa, da… Kim loại được sử dụng làm khung kết cấu cho đồ nội thất như bàn, ghế, giường, kệ – giá…

Máy móc, thiết bị, phụ kiện

Trong công trình kiến trúc hiện nay, việc tồn tại máy móc, thiết bị là điều đương nhiên. Đó là thang máy, máy bơm, máy phát điện, máy lạnh… gắn với công trình… hay các loại máy móc rời khác phục vụ cho làm việc và sinh hoạt như tivi, tủ lạnh, máy giặt… Các thiết bị bếp, thiết bị điện, nước cũng được cấu thành từ kim loại như bếp gas, hút mùi, vòi nước, thiết bị chiếu sáng… Kim loại cũng được sử dụng làm phụ kiện cho các bộ phận, thành phần của công trình kiến trúc để liên kết như bản mã, ray trượt, chốt cửa, bản lề… hay là các phụ kiện, dụng cụ sinh hoạt khác như giá treo, móc đồ, xoong nồi, dao kéo…

Vai trò không thể thiếu

Khó có thể tưởng tượng ra trong một công trình kiến trúc bây giờ vắng bóng kim loại. Kim loại tham gia vào kiến trúc như một sự tất yếu của lịch sử và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của kiến trúc hiện đại thế giới. Sự có mặt của kim loại làm thay đổi kết cấu, hình thức, quy mô công trình và đưa thêm nhiều tiện ích mới. Tỷ lệ góp mặt của kim loại trong công trình so với các loại vật liệu khác càng tăng lên và giữ các vai trò then chốt, quyết định – đặc biệt là kết cấu và trang thiết bị công trình.

Có thể nói kim loại có mặt khắp mọi nơi trong công trình, từ lớn nhất đến nhỏ nhất, từ đầu đến cuối, từ A đến Z.

Cột và vòm mái thép ở công trình Bưu điện TP.HCM

Ưu và nhược điểm của kim loại

Ưu điểm

Kim loại nói chung có nhiều ưu điểm như khả năng chịu lực tốt; cứng – chịu được tác động cơ học, chịu nhiệt tốt so với các dạng vật liệu tre gỗ.

Kim loại bền trong điều kiện thời tiết thông thường, nếu được bảo quản, bảo dưỡng tốt. Kim loại dễ chế tác để tạo nên những hình dáng thẩm mỹ, những chi tiết nhỏ nhưng có đủ độ cứng mà gỗ không đáp ứng được. Kim loại cũng góp phần làm phong phú chất liệu bề mặt kiến trúc, làm công trình sinh động, đa dạng hơn.

Các kết cấu, cấu kiện bằng kim loại có thể sản xuất tiền chế, tháo lắp vận chuyển thuận tiện. Nếu có những hư hỏng, sai sót dễ dàng xử lý (hàn, cắt, khoan…)

Kim loại có thể tái chế hoàn toàn, giảm thiểu tác động tiêu cực vào môi trường.

Nhược điểm

Trong một số điều kiện, hoàn cảnh nhất định, kim loại không có sẵn như các vật liệu tự nhiên khác như đất đá, cây cối. Việc thi công, gia công cấu kiện kim loại đòi hỏi thiết bị và năng lượng. Vì vậy, kim loại chỉ thực sự phát huy vai trò ở những nơi có khoa học kỹ thuật, kinh tế phát triển.

Một số kim loại dễ bị oxy hoá bề mặt nếu không được bảo quản bề mặt tốt (sơn), hoặc sử dụng ở những vùng khí hậu khắc nghiệt (biển).

Kim loại truyền điện, trong một số trường hợp có thể gây nguy hiểm.

Trong kết cấu, so với bêtông, thép (kim loại) chịu lửa kém hơn.

Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh

source

http://www.sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=53744&fld=HTMG/2009/0705/53744

Vận dụng hành kim

Ngày 14.07.2009 Giờ 16:52

Vận dụng hành kim

Kiến trúc & Đời sống - Hình dáng của hành kim trong ngũ hành là hình tròn, phương vị là phía tây và tây bắc. Và biểu trưng thời tiết là mùa thu. Hành kim sinh hành thuỷ và được hành thổ sinh, ngược lại kim khắc chế mộc và bị hoả khắc. Với những đặc trưng gần như tương phản với hành mộc, trong nhà ở hành kim cần tiết chế cho hài hoà, ngược lại đối với các cơ xưởng sản xuất hay trung tâm thương mại, hành kim sẽ phát huy khá hiệu quả nếu được xem xét vận dụng đúng

Hồ nước hình tròn mang tính thu hút tài lộc (kim tiền) đặt trước công trình

Hành kim và không gian sống

Những đặc tính thuộc về kim loại như sự chuyển động, cứng rắn, phản xạ ánh sáng… khá phù hợp với tính chất sản xuất và thương mại. Các quy trình công nghệ đều cần đến máy móc, khung nhà xưởng thường làm bằng thép rất thuận tiên cho sản xuất và lắp dựng. Hoạt động kinh doanh nhất là kim khí điện máy, điện tử, vận tải, cơ khí… cũng đều đặc trưng hành kim. Hoạt động ngân hàng tài chính cũng vậy, hành kim được xem là tượng trưng cho lợi nhuận và đồng tiền nên các đồng tiền xưa đều đúc bằng kim loại có hình tròn, ở giữa có lỗ vuông (hành thổ sinh kim) và phần lớn kiến trúc các toà ngân hàng hay mang hình dáng vuông tròn để thuận tương sinh. Trong khí đó, không gian nhà ở lại thiên về tính che chở, nuôi dưỡng, chăm bón mỗi ngày (thuộc hành mộc) nên hành km trong nhà ở thường được dùng hạn chế. Cuộc đất có dạng ngọn đồi tròn, mặt bằng khuôn viên tròn (thường hiếm gặp trên thực tế) các hồ nước, vườn hoa hình tròn hay bán nguyệt, bồn chứa dạng khối cầu… đều là những đặc trưng hành kim. Ta có thể thấy hình thế như vậy thường thích hợp cho các hoạt động công cộng như trường học, rạp hát, sảnh khách sạn… hoặc nhà xưởng sản xuất hơn là bố trí không gian để ở. Trong lịch sử, những công trình dùng để giác đấu (tính xung khắc, động chạm đao kiếm) như đấu trường ở Roma (Italia) hay hổ quyền ở Huế cũng đều có mặt bằng dạng hình tròn. Sau này các quốc gia phát triển có ứng dụng phong thủy nhiều vào không gian như Singapore, Hong Kong cũng hay bố trí các hồ nước dạng tròn để biểu trưng cho sự phát triển, tài lộc và tính năng động.

Công trình công cộng, hiện đại và mang tính giao tiếp nhiều hay chuộng dùng hành kim qua hình dáng, vật liệu, màu sắc

Áp dụng tùy điều kiện cụ thể

Để cân bằng âm dương – ngũ hành trong mỗi trường khí, cần xem xét kỹ cuộc đất hành kim để chọn lựa công trình phù hợp. Những toà nhà nằm ở vị trí góc đường, mũi tàu thì nên làm bo tròn, có vòm hay chỏm cầu để vừa không che khuất tầm nhìn, vừa tạo hành kim thuận lợi cho tính chất kinh doanh. Đặc trưng của hành kim, cũng như các hành khác trong ngũ hành được nhận biết không chỉ qua vật liệu tạo tác mà còn qua hình dáng, màu sắc, khối tích… do đó trong từng không gian cụ thể cần xem xét – cân đối liều lượng của mỗi hành, hành nào cần chính sẽ làm nồi bật, các hành kia bổ trợ hoặc kềm hãm cân bằng chung. Ví dụ phòng ngủ rất hợp với vật dụng bằng gỗ, không nên dùng vật dụng bằng kim loại, inox sẽ gây cảm giác lạnh lẽo, khó ngủ. Nhưng phòng ngủ nhiều gỗ quá thì cũng gây cảm giác nóng nực (mộc sinh hoả) nên vẫn cần một chút hành kim như mảng màu trắng, khung tranh bằng đồng, chân ghế kim loại… để tương khắc cân bằng trở lại. Một phòng ăn toàn thuần tính kim rõ ràng sẽ rất “ê răng” và lạnh lẽo, khó có thể tạo nên một bữa ăn ấm cúng quây quần được. Trong toàn bộ các không gian của một ngôi nhà ở, nhà xe và chỗ làm việc là có tính chất trường khí nghiêng về hành kim nhiều nhất (máy móc, tính phân tích, ánh sáng mạnh…) do đó không nên bố trí chỗ làm việc ngay trong phòng ngủ mà nên ngăn cách hoặc nếu cần tạo phòng làm việc riêng biệt (tại các nước phương tây, gara cũng là nơi làm việc, nhà xưởng hay phòng thí nghiệm trong gia đình và không ít cơ nghiệp lớn đã được khởi đầu từ những cái gara lỉnh kỉnh mọi thứ vật dụng máy móc ấy).

Góc ẩm thực nếu dùng nhiều kim thì nên giảm bớt bằng cách phối màu đậm (hoả) và kính (thuỷ).

Công trình tại nơi giao lộ, mũi tàu, ven biển… dùng khối tròn kim để giảm bớt xung sát, giảm áp lực gió

Hành kim sử dụng tại nơi cần bảo vệ, tiếp xúc với bên ngoài và không gian làm việc

Bài: THS. KTS Hà Anh Tuấn
Ảnh: Trường Ân

Bảng một số tính chất của Ngũ hành














source
http://www.sgtt.com.vn/Detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=54159&fld=HTMG/2009/0714/54159