Công Ty TNHH TV XD và TM Bình Hoa

VP TP. HCM - HCMC Office :
327/9B/16 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh Tp.HCM HP0903967439 email : hdangbinh@gmail.com
Facebook:
http://www.facebook.com/binhhoasaigon
http://www.facebook.com/binhhoacompany

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Chọn gạch nhẹ và đẹp

Chọn gạch nhẹ và đẹp
Chọn gạch nhẹ và đẹp magnify

source

http://sgtt.com.vn/Detail35.aspx?ColumnId=35&NewsId=17676&fld=HTMG/2007/0417/17676

Ngày 17.04.2007 Giờ 14:20

Chọn gạch nhẹ và đẹp

Xu hướng mới trong xây dựng hiện nay là người ta thường ứng dụng những vật liệu nhẹ, vật liệu nhân tạo vào các công trình nhà ở, nhà cao tầng, xưởng, văn phòng… Vật liệu nhẹ vừa mang lại hiệu quả kinh tế như giảm được chi phí nền móng, thi công nhanh, vừa bảo vệ môi trường mà vẫn đẹp và bền vững.

Các loại vật liệu truyền thống có các hạn chế về nhiều mặt như gạch nung phải vắt lên từ đất sét, khi nung tác động đến môi trường và sản phẩm nặng, thi công chậm bởi mang tính thủ công nhiều hơn. Gạch ceramic, granit nhân tạo hay đá, gỗ... cũng vậy - đều phải khai thác trong tự nhiên… Hiện có những vật liệu mới hoàn toàn có thể thay thế, khắc phục được các nhược điểm trước đây của vật liệu cũ nhưng vẫn thẩm mỹ, bền… và có những tính năng mới trong xây dựng.

Gạch nhẹ



Một loại gạch block chế tác từ xi măng, cát và chất tạo bọt để làm cho kết cấu viên gạch bên trong có những khoảng rỗng như hình thức tổ ong. Do đó sản phẩm nhẹ, cách âm, chịu nhiệt (hệ số dẫn nhiệt thấp hơn gạch nung 2 lần) và dễ khoan, cắt hay đóng đinh trực tiếp. Gạch nhẹ có kích thước cơ bản: 75x200x600mm. Với kích thước này, một viên gạch nhẹ chỉ nặng 7,2kg và trong xây dựng, nó có thể thay thế cho 6 viên gạch ống xây dính lại nặng khoảng 14kg. Như vậy, cùng một kích thước xây dựng, xây bằng gạch nung sẽ nặng khoảng gấp đôi so với xây bằng gạch nhẹ. Gạch thích hợp xây nhà cao tầng, cơi nới tầng, vách ngăn, căn hộ trên nền đất yếu.

Một mét vuông tường xây bằng gạch nhẹ chỉ có 8 viên, xây gạch nung phải tốn 65 viên cộng thêm chi phí cho xi măng, cát (làm mạch hồ). Ngoài ra, còn chi phí nhân công, thời gian thi công cũng chậm hơn so với xây bằng gạch nhẹ. Tính chung, “nếu xây 100 triệu đồng gạch nung thì xây gạch nhẹ chỉ mất khoảng 80 triệu đồng”, ông Trần Văn Trí, phó giám đốc công ty gạch nhẹ Minh Nghĩa nói.

Gạch, đá bê tông xốp

Với những nguyên liệu thông thường như xi măng, cát, thạch cao, sợi thuỷ tinh… nhà sản xuất đã chế tác ra đa dạng sản phẩm ứng dụng trong trang trí nội, ngoại thất. Người ta dựa vào màu sắc, hình thù, sớ vân bề mặt của sỏi, đá vàng - tím, sa thạch, đá ong… trong tự nhiên để sản xuất các loại gạch đá bằng nguyên liệu nêu trên. Đó là một dạng sản phẩm “giả” đá ghép, đá ốp tường, gạch giả cổ, sỏi đá từ suối… để thay thế sản phẩm có thật trong tự nhiên.


Ngoài ra, cũng từ những nguyên liệu trên còn có thể chế tác được các vật liệu giả gỗ, cây, tre, đá cubic, đá lát sân vườn, trụ cổng vuông - tròn. Nhờ sản xuất vật liệu tự nhiên bằng giải pháp nhân tạo - bê tông nhẹ nên nó không thấm nước và tạo được nhiều hoa văn, hoạ tiết, sắc màu, kích cỡ với nhiều chủng loại sản phẩm. Đặc tính chủ yếu là nhẹ, giảm được sự đòi hỏi khắt khe về kết cấu chịu lực của công trình. Ông Đỗ Văn Tâm, giám đốc nhân sự công ty Vĩnh Cửu cho biết, dòng sản phẩm bê tông nhẹ thì “nhẹ hơn đá thật có cùng khối lượng khoảng 40%”. Những sản phẩm này có ứng dụng đa dạng và thích hợp trong việc hoàn thiện công trình như ốp tường trang trí, lát nền sân, ban công, vườn, lối đi; làm tường rào, cột…

Gạch, đá gia công bằng tay

Cũng cần ghi nhận thêm một số loại vật liệu ốp lát mang tính trang trí, có thể tạo được bề mặt lồi lõm, hoặc gia công bằng tay để tạo nét lạ, khác biệt. Loại gạch có bề mặt mẫu mới được làm hàng loạt dạng khuôn, như đá núi có bề mặt lồi lõm và màu loang, loại tổ mối có bề mặt ngoằn ngoèo. Các viên gạch sau khi ra lò được gia công bằng tay bằng cách đục tạo các hoa văn nổi. Gạch có thể cắt thành những viên có kích thước nhỏ như ô cờ. Loại gạch này có trên 20 mẫu, mỗi mẫu đều có nhiều màu khác nhau.


Chất liệu đá cũng có loại được xử lý bằng máy cho các hoa văn đồng đều, hoặc không đều với đường lượn sóng, sọc...

Những loại ốp lát này dùng để trang trí những mảng tường nhấn trong công trình. Loại này thích hợp cho trang trí ngoài trời và các mảng trang trí trong nhà gợi đến chất liệu tự nhiên.

Gạch nhựa vinyl

Bạn khó có thể “phát hiện” đó là đá, gỗ hay thảm “giả”. Nhưng nó lại được làm bằng nhựa cao cấp vinyl, sản xuất giống như thật, như vật liệu có trong tự nhiên. Dù là nhựa nhưng vẫn tạo được hoa văn, màu sắc và đặc biệt không có độ bóng của nhựa - màu bóng vốn bị giới kiến trúc “chê” là thiếu thân thiện với công trình. Không những không bóng mà độ gồ ghề, lồi lõm, dợn sóng của đá, gỗ, hay thảm len đều được thể hiện rõ nét trên bề mặt “gạch nhựa” này.

Đặc điểm sản phẩm là rất nhẹ vì dày chỉ 3 li và bằng một loại nhựa mềm riêng biệt “nên trọng lượng nhỏ, không đáng kể so với các loại gạch đá khác lát trên các công trình”, ông Bùi Huy Chương, phòng kinh doanh công ty phân phối Đạt Phú Thịnh nói. Ứng dụng vật liệu này có ưu điểm là thi công nhanh, sạch bằng keo dán chuyên dụng trên các loại mặt sàn, kể cả sàn đã lát gạch ceramic, đá… Sau một thời gian sử dụng, nếu muốn, người sử dụng dễ dàng thay đổi chất liệu, màu sắc... Loại gạch nhựa này thích hợp để làm mới nền nhà. Gạch có những đặc tính như không cong vênh, không co nhót, dán không cần ron (joint), vệ sinh dễ dàng; chống được trầy xước, mài mòn hay va đập, chống cháy. Sản phẩm của Hàn Quốc, đa dạng về kiểu dáng, được bảo hành 5 năm với màu sắc và sự biến dạng.

Đá ép trên nhôm, kính, ceramic…



Bản thân đá tự nhiên đã đẹp, gần gũi, sang trọng và thích hợp trong trang trí, xây dựng các loại công trình - nhưng nó có “tội” là nặng. Khắc phục khuyết điểm đó, các nhà sản xuất đã có thiết bị hiện đại “thái” mỏng đá tự nhiên ra thành những tấm dày chỉ 3 - 5 li. Sau đó dán nó lên trên các bề mặt vật liệu khác để ứng dụng trang trí thiết kế các công trình. Từ đó, công trình vừa giảm được tải trọng, vừa mang lại các hiệu ứng khác nhau, vừa tạo được bề mặt là đá thật.

Chẳng hạn, đá ép trên tấm nhôm, “sức nặng chỉ bằng 1/7 so với nguyên phiến đá; vào khoảng 8 -14kg/m2”, ông Victor Nuyen - giám đốc công ty Resource One cho biết. Nhờ tấm đá mỏng ép trên nhôm nên ứng dụng đa cách và linh động trên các hạng mục công trình. Ví dụ, có thể đưa lên cao, ốp các bề mặt cong, vách ngăn, cửa… thậm chí làm trần phòng. Do đá ép trên nhôm nên có khả năng chịu được môi trường nước - thực hiện tốt trong phòng tắm, làm mặt quầy bếp, sàn nhà…

Đá xẻ mỏng nhưng được ép trên kính hay nền gạch ceramic thì cũng nhẹ hơn là tấm đá “nguyên chất”. Đá ép kính cho hiệu ứng phản quang, chiếu sáng làm nổi vân và sắc của đá tự nhiên. Đá ép trên ceramic lại có tác dụng chống ẩm và cách âm tốt, thích hợp làm sàn nhà…

Bài Nguyễn Tâm - Ảnh Nguyễn Tâm, Thu Thuỷ

Giá và địa chỉ tham khảo

Công ty Minh Nghĩa, 168 Nguyễn Duy, P.9, Q.8.
Gạch nhẹ: 9.550đ/viên (75x200x600mm).
Có gạch dày gấp đôi viên chuẩn này.

Công ty Vĩnh Cửu, 319 xa lộ Hà Nội, P. An Phú, Q.2.
Đá ghép màu: 156 - 192đ/viên (30x 100x 500mm).
Đá suối: 21- 42 đ/viên.
Gạch giả cổ: 126 - 138đ/viên (15x 60x 190mm).

Công ty Đạt Phú Thịnh, 39 Phó Đức Chính, Q.1.
Gạch nhựa vinyl giá trung bình: 13 USD/m2
(có nhiều quy cách).

Công ty Resource One, phòng 303 số 6 Thái Văn Lung, Q.1.
Đá ép nhôm: 152 - 220 USD/m2
(tuỳ đá trắng Ý, xanh Ấn, cẩm thạch…).
Đá ép kiếng: 96 - 258 USD/m2.

Công ty vật liệu xây dựng Hồng Loan, 99A5 Cộng Hoà, P. 5,
Q.Tân Bình.
Gốm núi: 1.100 -1.200 đ/viên

Công ty Đại Huy, 121A Cộng Hoà, P.2, Q.Tân Bình.
Đá bông tuyết: 120.000 đ/m2.

Wednesday October 15, 2008 - 03:00am (PDT) Permanent Link | 0 Comments
Vật liệu cách nhiệt mới
Vật liệu cách nhiệt mới magnify

source

http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=18411&fld=HTMG/2007/0515/18411

Ngày 15.05.2007 Giờ 10:29

Vật liệu cách nhiệt mới

Xu hướng xây dựng và thiết kế các cao ốc, chung cư, nhà ở DÂN DỤNG, nhà xưởng, công trình công cộng… ở thế kỷ 21 này là thân thiện môi trường. Để làm được điều đó, các nhà sản xuất đã chế tác nhiều vật liệu mới tương thích, vừa nhẹ, cách nhiệt, cách âm, lấy sáng tốt vừa bền vững cùng công trình.

Giảm thiểu tối đa việc sử dụng điện năng là yêu cầu cấp thiết đối với các công trình xây dựng. Nhờ đó mà môi trường sống, sinh hoạt gần gũi với không gian tự nhiên; giảm chi phí hóa đơn tiền điện, bảo vệ môi trường.

Panel cách nhiệt Styrofoam

Cách nhiệt cho mái kim loại

Xe lạnh cách nhiệt bằng Styrofoam

Tấm cách nhiệt Styrofoam

Tấm Styrofoam được phát minh bởi công ty Dow Chemical - trụ sở chính tại Mỹ và có 36 nhà máy sản xuất trên toàn thế giới. Styrofoam sử dụng vật liệu polystyren với công nghệ đùn, nén bằng thiết bị đặc biệt để sản xuất tấm cách nhiệt. Nó tựa tấm mốp (tấm xốp) nhẹ nhưng có những đặc tính vượt trội như không hút nước (chống thấm), cách nhiệt (hệ số dẫn nhiệt rất thấp) và độ chịu nén cao (khả năng chịu tải trọng cao). Nhờ những tính năng đặc biệt đó mà ứng dụng của nó phổ biến toàn cầu, đa dạng trong công nghiệp và xây dựng. Như sân vận động ở New Zealand, sân bay Đài Loan, nhà xưởng, kho lạnh... và sản phẩm sử dụng rộng rãi trong các công trình cao ốc, khách sạn, nhà dân dụng… Sản phẩm được bảo hành đặc tính cách nhiệt 15 năm.

Styrofoam được sử dụng để cách nhiệt mái nghiêng, mái bằng và áp vào tường gạch, ván, tôn… để cách nhiệt và càng giữ vững thêm cho kết cấu của tường; tiết kiệm điện đáng kể. Với khả năng chịu tải trọng cao, không thấm nước và cách nhiệt nên styrofoam còn có thể ứng dụng cho các dạng sàn nhà, bãi đậu xe và đưa trực tiếp vào kết cấu.

Cửa gỗ kết hợp kính cách nhiệt hai lớp

Mặt cắt cửa Weather Shield

Proshield

Cửa đi, cửa sổ cách nhiệt

Sản phẩm của công ty Weather Shield (Mỹ), với các dòng cửa cao cấp như Legacy, Weather Shield, ProShield rất đa dạng về kiểu dáng và tính ứng dụng, chẳng hạn, cửa sổ mở bằng bản lề thông thường, cửa mở nghiêng, cửa trượt lên một hay hai cánh, cửa sổ trượt ngang, cửa đi, cửa sân vườn… Dễ dàng lắp đặt khi tiến hành xây mới, tu bổ cho các tòa nhà, biệt thự, công trình cổ...

Cửa Weather Shield có cấu trúc bên trong là khung gỗ tự nhiên nhiều vân và sắc độ để chọn lựa và bên ngoài là khung nhôm hoặc gỗ (dòng Legacy và Weather Shield) hoặc nhựa Vinyl (dòng ProShield). Khung nhôm, nhựa, gỗ có đặc tính chịu được khí hậu nhiệt đới - thích hợp thời tiết ở Việt Nam. Màu sắc khung nhôm phong phú gồm 8 màu chuẩn và 47 màu khác tùy thiết kế.

Kính cửa là kết cấu dạng hộp 2 lớp với lớp phủ Low E2 lọc các tia UV độc hại; lớp EasyCare chống bụi bám. Giữa 2 lớp kính là lớp khí trơ tạo hiệu quả cách nhiệt cao; các lớp đệm xung quanh giữ cho khung kín mà không cần dùng ron (joint) cao su…

Ngoài ra, còn nhiều chủng loại kính màu và hoa văn với thiết kế riêng. Hoặc có loại kính chống đạn và kính chịu thời tiết khắc nghiệt như bão, lốc hay va chạm mạnh… Tất cả đều đạt tiêu chuẩn chất lượng, tiết kiệm điện năng của Energy Star, bảo hành 20 năm.

Mặt bếp giả đá Egger

Cách nhiệt tường ngoài bằng Styrofoam

Sản phẩm gỗ Egger

Với một dải sản phẩm: Formline MDF, Eurodekor MFC, Eurostrand OSB…; công ty Fritz Egger - trụ sở chính tại Áo và có 16 nhà máy sản xuất công nghệ tiên tiến tại châu Âu, phân phối trên toàn thế giới. Sản phẩm là loại ván gỗ dăm ép với nhiều độ dày - mỏng khác nhau, chuyên dùng trong trang trí nội thất hiện đại. Bề mặt ván tạo được nhiều hoa văn, mẫu đá, màu sắc cho ứng dụng đa dạng trong trang trí.

OSB là sản phẩm có cấu trúc đặc biệt được cấu tạo bằng dăm gỗ được nén định hình kết hợp với một loại keo chuyên dụng. Công nghệ này đem lại cho OSB một cấu trúc vững chắc và khả năng chống thấm nước. OSB sử dụng rộng rãi trong xây dựng và trang trí mang dáng vẻ mới lạ.

Ca Dao

Liên hệ: Công ty TNHH Đông Thơ (Nhà phân phối độc quyền)
323A/7 Đào Duy Anh, P. 9, Phú Nhuận, TP.HCM
ĐT: 9970334 - 9970335. Fax: 9970337

Wednesday October 15, 2008 - 02:40am (PDT) Permanent Link | 0 Comments
Thủ tục đo, vẽ, lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà ở, đất ở
Thủ tục đo, vẽ, lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà ở, đất ở magnify

source

Ngày 15.05.2007 Giờ 10:33

Thủ tục đo, vẽ, lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà ở, đất ở

Việc đo vẽ lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà ở, đất ở trên địa bàn thành phố được tiến hành phụ thuộc vào khu vực đã có hoặc chưa có nền bản đồ địa chính có toạ độ.

1. Đối với khu vực đã có bản đồ địa chính có toạ độ

Một bộ hồ sơ mẫu đã được thẩm định

Sử dụng hồ sơ kỹ thuật thửa đất đã được thiết lập trong giai đoạn đo vẽ thành lập bản đồ địa chính có toạ độ làm bản vẽ vị trí đất, sau đó chỉ cần đo vẽ bổ sung bản vẽ hiện trạng nhà là đủ cơ sở thành lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà ở đất ở.

Bước 1:

- Cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất (sau đây gọi tắt là người có nhu cầu xin cấp GCN) liên hệ và lập thủ tục tại quận, huyện.

- Quận căn cứ trên bản đồ địa chính khu đất để cung cấp hồ sơ kỹ thuật thửa đất cho người có nhu cầu.

- Người có nhu cầu liên hệ với đơn vị có chức năng để hợp đồng thực hiện đo đạc lập bản vẽ hiện trạng nhà dựa trên cơ sở hồ sơ kỹ thuật thửa đất đã có; sau đó thực hiện kiểm tra nội dung bản vẽ hiện trạng nhà, ký xác nhận và chuyển bản vẽ hiện trạng nhà này đến quận cùng với hồ sơ xin cấp GCN.

Bước 2:

- Quận kiểm tra cấp quản lý nhà nước bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất về các yếu tố hình học thửa đất như: vị trí, hình thể, diện tích... và các yếu tố thuộc phạm vi bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật như: lộ giới, hẻm giới, phạm vi an toàn điện...

- Quận tổ chức thực hiện việc kết hợp bản vẽ hiện trạng nhà với hồ sơ kỹ thuật thửa đất tương ứng để thành lập bản vẽ sơ đồ nhà đất mà sẽ được thể hiện trên GCN.

- Quận trình toàn bộ hồ sơ lên Uỷ ban Nhân dân thành phố để được xét duyệt, ký GCN và cấp cho chủ sử dụng.


2. Đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính có toạ độ

Tiến hành đo đạc lập bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất độc lập đối với từng căn nhà có tham khảo và đối chiếu với nền bản đồ hoặc nền sơ đồ tốt nhất đang được sử dụng tại quận, huyện.

Bước 1:

- Quận hướng dẫn người có nhu cầu xin cấp GCN hợp đồng với đơn vị có chức năng tiến hành đo đạc lập bản đồ hiện trạng vị trí đất và bản vẽ hiện trạng nhà. Nếu việc đo đạc lập hai loại bản vẽ này giao cho cùng một đơn vị thực hiện thì sẽ thống nhất được về mặt số liệu và giảm được thời gian thực hiện; nếu giao cho hai đơn vị thực hiện, thì đơn vị đo sau phải tham khảo số liệu của đơn vị đo trước để có sự phù hợp và thống nhất về hình thể, kích thước.

- Đơn vị đo đạc bản đồ cần liên hệ trước với quận để thu thập các thông số về quy hoạch nhằm thực hiện một lần bản đồ hiện trạng vị trí nhà đất trên đó thể hiện đầy đủ, chính xác vị trí, hình thể thửa đất và các ranh quy hoạch (nếu có).

- Sau khi kiểm tra, chủ sử dụng ký xác nhận trên bản vẽ và nộp hai bản vẽ nêu trên cùng hồ sơ có liên quan cho quận, huyện.

Bước 2:

Tương tự như bước 2 của mục 1.2 nêu trên.


3. Đối với khu vực đang đo đạc lập bản đồ địa chính có toạ độ:

Trong quá trình thực hiện công tác đo đạc lập bản đồ địa chính có toạ độ theo kế hoạch hàng năm; quận, huyện sẽ phối hợp với đơn vị đo đạc (đang đo vẽ bản đồ địa chính) để thực hiện song song việc đo đạc lập bản vẽ hiện trạng nhà để khi thành lập xong bản đồ địa chính, có hồ sơ kỹ thuật thửa đất thì đồng thời có luôn bản vẽ hiện trạng nhà.

Tiến hành các bước tương tự như đối với khu vực chưa có bản đồ địa chính có toạ độ (mục 2.2).

(Trích theo hướng dẫn của Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM tại trang web của sở)

source

http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=18413&fld=HTMG/2007/0515/18413

Ngày 15.05.2007 Giờ 10:31

Thuê ai thiết kế, xây nhà và bảo hành như thế nào?

Hỏi: Gia đình tôi dự tính xây lại ngôi nhà đang ở. Xin hướng dẫn cho chúng tôi biết phải thực hiện thiết kế, thi công xây dựng thế nào Và thời hạn bảo hành tính từ ngày nào? (Nguyễn Thành Hiệp, 156 Hai Bà Trưng, Q.1, Tp.HCM)

Trả lời: Nếu nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn xây dựng (XD) các tầng lớn hơn 250m2, có từ 3 tầng trở lên (kể cả tầng lửng), việc thiết kế phải do tổ chức, cá nhân có chứng chỉ hành nghề thực hiện. Trong trường hợp dưới mức này, gia đình bạn được tự tổ chức thiết kế sao cho phù hợp với quy hoạch XD được duyệt.

Khi xây nhà, bạn nên thuê nhà thầu có đủ năng lực, kinh nghiệm chuyên môn để giám sát thi công XD và luôn kiểm tra việc tuân thủ thiết kế đã được chấp thuận. Trường hợp nhà ở riêng lẻ có tổng diện tích sàn XD bằng hoặc nhỏ hơn 250m2, từ 2 tầng trở xuống (kể cả tầng lửng), cá nhân được tự tổ chức thi công XD, nhưng phải có năng lực hành nghề thi công XD công trình (có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp) và chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn của bản thân công trình lẫn các công trình lân cận.

Khi hoàn công, nhà thầu thi công phải lập bản vẽ hoàn công (có ký xác nhận của người giám sát thi công XD, nếu bạn có thuê nhờ) để nghiệm thu và bàn giao công trình theo quy định. Bản vẽ hoàn công là cơ sở để thực hiện bảo hành và bảo trì.

Thời hạn bảo hành được tính từ ngày bạn ký biên bản nghiệm thu nhà ở để đưa vào sử dụng và được quy định như sau: nhà ở riêng lẻ từ 3 tầng trở xuống không ít hơn 24 tháng, nhà từ 4 - 8 tầng không ít hơn 36 tháng, nhà ở từ 9 tầng trở lên (không kể tầng lửng) không ít hơn 60 tháng. Ngay cả sau thời gian đó, nếu có xảy ra hiện tượng xuống cấp của công trình gây ra do sai sót của thiết kế, thi công (lún, nghiêng, chập điện...) nhưng không do lỗi của chủ nhà thì các bên liên quan có trách nhiệm chịu kinh phí để xử lý dứt điểm.

Mức tiền bảo hành công trình mà chủ nhà giữ của nhà thầu thi công XD là 5% giá trị hợp đồng. Nhà thầu chỉ được hoàn trả tiền bảo hành công trình sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được chủ nhà xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành.

Wednesday October 15, 2008 - 02:35am (PDT) Permanent Link | 0 Comments
Cách tính giá thành khi xây nhà
Cách tính giá thành khi xây nhà magnify

source

http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=18412&fld=HTMG/2007/0515/18412

Ngày 15.05.2007 Giờ 10:30

Cách tính giá thành khi xây nhà

Một số bạn đọc thắc mắc về cách tính giá thành xây nhà như thế nào để lên chi phí xây nhà cho gần với thực tế. KT&ĐS mời ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc công ty TTT tư vấn đề tài này.

Khi chuẩn bị xây dựng một căn nhà mới, một vấn đề mà tất cả các chủ nhà và các chủ đầu tư đều quan tâm là giá thành xây dựng.

Việc tính giá thành xây dựng được chia thành 2 bước cụ thể là tính khái toán giá trị xây dựng và tính dự toán chi tiết.

Tính khái toán giá trị xây dựng

Việc tính khái toán giá trị xây dựng dựa vào số liệu thống kê và kinh nghiệm của các nhà thầu xây dựng. Sau nhiều công trình và thực hiện tổng kết chi tiết cuối công trình, nhà thầu có kinh nghiệm sẽ tìm được những hàm số thống kê tương quan giữa giá thành và một biến số nào đó. Thông thường và dễ gặp nhất là mối tương quan giữa diện tích xây dựng và giá trên một đơn vị diện tích. Ví dụ: chúng ta thường nghe nói giá xây dựng nhà ở hiện nay là 2,8 triệu đồng/m 2 .

Như đã trình bày ở trên, việc tính khái toán dựa vào đơn giá/m2 là dựa vào thống kê nên chắc chắn sẽ có nhiều sai số và độ tin cậy phụ thuộc rất nhiều vào số lượng và chất lượng mẫu thống kê. Cụ thể là nhà thầu phải có nhiều công trình về hình dáng, chất lượng hoàn thiện về kết cấu, địa chất, địa tầng tương đồng để có được một kết quả thống kê tin cậy. Điều này thật khó trong điều kiện hiện nay, bởi khi các Hiệp hội Xây dựng, Hiệp hội Kiến trúc chưa thể đứng ra tập hợp và phân tích số liệu này thì các nhà thầu đơn lẻ rất khó có được số liệu tin cậy. Thông thường, độ sai lệch của giá trị khái toán tính trên đơn giá xây dựng/m2 hiện nay khá cao, có thể sai số hơn 10% và có trường hợp cá biệt lên đến 50%.

Tham khảo ý kiến của các nhà thầu xây dựng hiện nay trên địa bàn TP.HCM ở các vùng nội thành, đơn giá xây dựng/m2 được tính trung bình từ 2,6 - 3 triệu đồng cho mỗi m2 diện tích xây dựng (lưu ý không bao gồm tường rào, sân vườn và các trang bị nội thất). Diện tích xây dựng này được hiểu là diện tích của tầng trệt, các tầng lầu kể cả ban công. Nếu nhà mái ngói, các nhà thầu xây dựng thường cộng thêm 30 - 50% đơn giá cho phần mái ngói, có nghĩa là cộng thêm từ 780.000 -1.300.000đ cho một m2 mái ngói.

Ví dụ: Xây một ngôi nhà diện tích tầng trệt là 100 m2, xây một trệt hai lầu và mái ngói thì giá trị xây dựng được tính như sau: 100 x 3 x 2.600.000 + 100 x 2.600.000 x 1/3 = 867.000.000đ.

Lưu ý: Đơn giá trên chỉ áp dụng cho các công trình xây dựng trong nội thành. Ở các quận ngoại thành như Nhà Bè, quận 2, quận 9 có cấu tạo địa chất yếu nên đơn giá xây dựng phải tăng lên, cụ thể tăng thêm từ 20 - 30% giá trị xây dựng cho việc gia cố móng. Theo ví dụ trên, nếu ngôi nhà 100m2 được xây ở Nhà Bè thì giá trị khái toán sẽ là 1.156.000.000đ (tức tăng thêm 289 triệu đồng).

Tính dự toán chi tiết

Đây là phương pháp tính chính xác nhất để tính ra giá thành xây dựng. Để lập được một dự toán cho căn nhà chuẩn bị xây, điều tiên quyết là công trình xây dựng dự kiến phải được hoàn tất đầy đủ hồ sơ thiết kế chi tiết, bao gồm hồ sơ khảo sát địa chất, hồ sơ thiết kế kiến trúc, hồ sơ thiết kế kết cấu, hồ sơ thiết kế hệ thống cấp thoát nước, hồ sơ thiết kế hệ thống điện, điện thoại, máy tính, camera bảo vệ… Dựa trên những bản vẽ thiết kế này, các dự toán viên sẽ tính được dự toán chi tiết của công trình xây dựng. Kết quả tính toán của các dự toán viên sẽ cho chúng ta 3 bảng tính toán quan trọng sau:

1. Bảng tiên lượng dự toán: Trong bảng này là khối lượng chính xác của tất cả các công việc, hạng mục phải thực hiện từ lúc khởi công cho đến lúc hoàn tất công trình. Ví dụ: trong công trình sẽ phải xây bao nhiêu m2 tường bằng gạch ống có độ dày 100cm, phải đổ bao nhiêu khối bê tông sàn, cột...

2. Bảng tổng hợp kinh phí vật tư: Bảng này liệt kê chính xác số lượng và đơn giá thị trường của tất cả các chủng loại vật tư sẽ được sử dụng. Ví dụ: phải sử dụng bao nhiêu tấn xi măng, thép, bao nhiêu viên gạch ống, gạch thẻ và giá tiền là bao nhiêu...

3. Bảng tổng hợp kinh phí dự toán: Trong bảng này, dự toán viên sẽ chỉ rõ chi phí cho phần vật liệu, nhân công và các chi phí khác khi xây dựng công trình. Đây là kết quả dự toán cuối cùng có độ chính xác cao, sai số nhỏ hơn 5% cho việc định giá một công trình.

Như vậy, tuỳ vào tính chất quan trọng của công trình, tuỳ vào mức độ chấp nhận rủi ro và sai số, các nhà đầu tư có thể chọn một phương án có độ sai số cao nhưng nhanh chóng, đơn giản (phương pháp tính khái toán) hay chọn cho mình một phương pháp quyết định độ tin cậy (tính dự toán chi tiết).

Wednesday October 15, 2008 - 02:32am (PDT) Permanent Link | 0 Comments
Chọn nội thất theo chất liệu
Chọn nội thất theo chất liệu magnify

source

http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=20596&fld=HTMG/2007/0719/20596

Ngày 19.07.2007 Giờ 15:52

Chọn nội thất theo chất liệu

Trong số báo trước, tôi có nói đến những vấn đề bạn nên đặt ra trước khi đi mua đồ nội thất. Có bạn hỏi tôi, nếu chọn được hai bộ bàn ghế có kiểu dáng, kích thước, giá tiền tương đương nhau, nhưng một bộ bằng gỗ, một bộ bằng sắt thì nên chọn bộ nào?

Thật khó để nói ngay nên chọn đồ sắt hay đồ gỗ, bởi chất liệu chỉ là một yếu tố tạo thành của đồ nội thất. Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải bắt đầu từ những điều tương đối căn bản.

Chất liệu tạo nên đồ nội thất gồm mấy nhóm chính như sau: gỗ, mây tre và các chất liệu nguồn gốc tự nhiên; kim loại; nhựa và cuối cùng là tổng hợp của các chất liệu đó.

Thế mạnh của từng chất liệu

Gỗ, mây tre là chất liệu tự nhiên mang lại sự gần gũi, ấm áp. Các nhà sản xuất sử dụng gỗ tới 50% khối lượng sản phẩm. Một thời gian dài ở nước ta, gỗ là sản phẩm gần như độc tôn. Người ta say sưa nói về gỗ lát hoa, mun đen… như một sự sang trọng đặc biệt, thậm chí tạo nên sự phân chia đẳng cấp. Một người bạn tôi từng du học ở nước ngoài kể, có lần cô bạn người Đức mời anh về nhà để khoe một cái tủ. Lúc nhìn cái tủ bình thường, anh bạn hỏi có gì đáng khoe thì cô bạn người Đức hào hứng: “Cả cái tủ này bằng gỗ thật đấy”!

Chính vì sự gần gũi, vì quan điểm sang trọng đó mà khi gỗ tự nhiên khan hiếm, dù phải làm gỗ nhân tạo thì họ vẫn tận dụng tính tự nhiên của gỗ. Với gỗ nhân tạo MDF, nhà sản xuất dùng bột gỗ để làm nguyên liệu chính thì vẫn lấy gỗ tự nhiên lạng ra thành tấm mỏng để dát bên ngoài, tạo cảm giác như gỗ thật. Người ta quý gỗ đến độ, khi làm sàn bằng gỗ nhân tạo khắc phục được các nhược điểm của gỗ tự nhiên như cong, vênh, nứt… thì vẫn mang tiếng là gỗ… giả.

Với kim loại, lúc đầu người ta nghĩ rằng khó sử dụng làm nội thất, nhưng rồi đặc tính chịu lực tốt, khả năng uốn cong phong phú khiến các nhà thiết kế thú vị với chất liệu này. Bàn ghế, nội thất bằng kim loại thanh mảnh mà vẫn chịu lực được, có thể dễ dàng uốn tạo nét độc đáo. Đó là những ưu điểm của đồ nội thất kim loại mà chất liệu khác không có được. Chính vì vậy, kim loại “tấn công” vào nội thất cũng không có gì là lạ.

Nhóm thứ ba là đồ nhựa, chất dẻo. Đây là loại sản phẩm mang rõ nét công nghiệp hoá nhất. Các nhà thiết kế rất thích chất liệu này vì nó không gò bó trong kết cấu phức tạp như gỗ, trong những mối liên kết hàn đục như kim loại. Với nhựa, chất dẻo, nhà thiết kế có thể sáng tạo thoải mái, tạo ra nhiều kiểu dáng mới. Sự phong phú về màu sắc cũng là thế mạnh của chất liệu này. Nhưng phải nhìn nhận rằng, những điều ấy vẫn chưa thay thế được cảm giác nơi người dùng là chất liệu nhựa, chất dẻo không mang đến sự mộc mạc, gần gũi. Trong giáo trình của chúng tôi ở trường kiến trúc có nêu một thí nghiệm nghiên cứu: người ta chọn những người tương đương nhau về kích thước, cùng làm chung một công việc và cho ngồi trên những chiếc ghế với kiểu dáng, kích thước như nhau bằng các chất liệu khác nhau. Kết quả, người mỏi mệt đứng lên đầu tiên là người ngồi ở ghế nhựa rồi đến kim loại, gỗ, mây tre. Điều này chứng tỏ rằng cái gì gần gũi với thiên nhiên vẫn dễ được chấp nhận hơn.

Nhóm thứ tư đang ngày càng phát triển là sử dụng tổng hợp các chất liệu trên. Về lý thuyết, có thể thấy là chất liệu tổng hợp tập hợp được các ưu điểm và khắc phục nhược điểm của từng chất liệu. Ví dụ, trước kia ta dùng sập gụ tủ chè bằng gỗ thì nay thêm vào gỗ có đệm mút êm ái. Ví dụ kết hợp chất liệu kim loại và thuỷ tinh, nhựa và kim loại có thể tạo ra những bộ bàn ăn sang trọng, hợp vệ sinh. Song nói như vậy không có nghĩa là đồ nội thất tổng hợp chất liệu có thể thay thế hoàn toàn các đồ nội thất nêu trên.

Chọn nội thất theo không gian sử dụng

Bởi vì một yếu tố quan trọng cho việc chọn nội thất theo chất liệu là bạn mua đồ nội thất đó cho không gian nào, sử dụng vào mục đích gì?

Ví dụ như với không gian phòng ngủ thì giường, tủ, đôn, ghế lại nên thiên về gỗ vì phòng ngủ đòi hỏi sự ấm cúng, gẫn gũi với con người. Nhưng với phòng ăn, bếp người ta có thể thiên về chọn đồ kim loại kết hợp với nhựa, kim loại với thuỷ tinh vì nó tạo ra sự sang trọng, tiện dụng trong sử dụng.

Đối với phòng khách, đây là nơi quan trọng vì qua phòng khách, người ta có thể nhận ra cá tính của chủ nhà. Chính vì vậy, phòng khách là nơi có thể dùng những món đồ có giá trị cao, mang tính sang trọng như gỗ thật, da thật, thảm loại quý…

Đó là xu hướng chung khi chọn chất liệu cho không gian. Nhưng vấn đề không phải chỉ ở chỗ chất liệu.

Có lần, một người quen của tôi nhờ tôi đưa đi mua một bộ bàn ghế. Chúng tôi vào một siêu thị nội thất, người quen của tôi gần như bị hút hồn bởi một bộ xa lông gỗ. Xác định là đủ tiền, anh ấy hỏi tôi có nên mua không. Quan sát kỹ bộ xa lông, tôi bảo anh bạn thử ngồi thật thoải mái trên ghế xem sao. Anh bạn ngồi vào và thấy chỉ sau một lúc, người cứ như bị trôi, phải đổi tư thế. Anh hỏi tại sao, tôi mới giải thích hai nguyên nhân: thứ nhất, tỷ lệ kích thước chưa thật phù hợp với người; thứ hai, mặt gỗ được sơn bóng bằng sơn PU, trông rất bóng, đẹp nhưng ngồi rất trơn. Sau khi nghe giải thích, anh bạn quyết định không mua bộ xa lông đó. Tôi kể chuyện này để nói rằng, đừng bao giờ phụ thuộc vào cảm giác choáng ngợp. Hãy thử xem món đồ đó có thật phù hợp với mình hay không? Những gợi ý về chất liệu cho không gian mới chỉ là… gợi ý.

“Cái tôi” của tôi ở đâu?

Một người quen của tôi đi mua tủ về. Anh ta rất hài lòng. Người nhà cũng hài lòng. Đến lúc có khách đến chơi chỉ cái tủ nói: “Có phải cái này giá 6 triệu bán ở quận 1?”, anh bạn thừa nhận là đúng và từ đó mất hẳn hứng thú về cái tủ. Anh bày tỏ ý muốn đặt thiết kế riêng đồ nội thất để nó có “cái tôi” ở trong đó, không lầm với đồ sản xuất hàng loạt. Tôi khuyên, nếu chưa xác định được mình muốn cái gì mà chỉ muốn trưng bày ra cái “không đụng hàng” thì chưa nên đi đặt thiết kế vì anh sẽ sa vào “trận đồ” của kiểu dáng, chất liệu, kích thước mà có khi không tìm được lối ra.

Thực ra không phải cứ đặt đóng là tìm được món đồ mang “cái tôi” của mình, còn đi mua đồ làm sẵn hàng loạt thì không thể hiện được “cái tôi”. Khi mua đồ làm sẵn, nếu để ý kỹ vẫn có thể tìm ra được “cái tôi” phù hợp với mình. Nhiều nhà sản xuất vẫn để trống chi tiết cho khách hàng tự thể hiện. Ví dụ như bộ tủ có thể để khách tự chọn tay cầm, khoá, gương… Bộ xa lông có thể để khách tư chọn gối, bàn đi kèm…

Người ta hay so sánh phong cách nội thất với thời trang và tôi thấy sự so sánh ấy rất đúng ở góc độ mua sắm và sử dụng. Chất liệu jean có thể hợp với người này và không hợp với người kia. Với một người, jean có thể hợp khi đi chơi nhưng không hợp khi đi dự tiệc.

Nội thất cũng như vậy. Chất liệu chỉ là một trong các yếu tố để quyết định. Cần phải xem xét tổng thể trên nhiều khía cạnh như kiến trúc từng không gian, sở thích, cá tính của người dùng. Mà điều này thì không thể nói hết trong phạm vi một bài báo. Hẹn gặp các bạn trong kỳ sau.

Bài: KTS Phạm Gia Yên ,
trưởng khoa nội thất ĐH Kiến trúc TP.HCM
Ảnh: Phan Quang - Thu Thủy

Wednesday October 15, 2008 - 02:26am (PDT) Permanent Link | 0 Comments

Add BinhHoa Co.,Ltd.'s Blog to your personalized My Yahoo! page:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ