Công Ty TNHH TV XD và TM Bình Hoa

VP TP. HCM - HCMC Office :
327/9B/16 Nơ Trang Long, P.13, Q.Bình Thạnh Tp.HCM HP0903967439 email : hdangbinh@gmail.com
Facebook:
http://www.facebook.com/binhhoasaigon
http://www.facebook.com/binhhoacompany

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Ở trong ngôi nhà sinh thái: có giảm được chi phí tiền điện?

Ở trong ngôi nhà sinh thái: có giảm được chi phí tiền điện?
Ở trong ngôi nhà sinh thái: có giảm được chi phí tiền điện? magnify

source

http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=36009&fld=HTMG/2008/0619/36009

Ngày 19.06.2008 Giờ 17:39

Ở trong ngôi nhà sinh thái: có giảm được chi phí tiền điện?

Tình hình khan hiếm điện đang xảy ra, hiện tượng cúp luân phiên đã được áp dụng ở nhiều nơi.

Sử dụng điện sao cho tiết kiệm, có hiệu quả là một vấn đề mà nhiều người quan tâm và một trong những giải pháp được coi là căn cơ, có tác dụng lâu dài là thiết kế ngôi nhà theo hướng thân thiện với môi trường. Câu hỏi đặt ra là việc tiết kiệm có khả thi?

Cây xanh bên trong sân nhà ông Tâm

Đã tỏ nhưng chưa tường!

Nhiều kiến trúc sư cho rằng, cái lợi của kiến trúc sinh thái thì đã rõ nhưng hạn chế của nó là chi phí ban đầu lớn nên nhiều người còn e dè. “Cái lợi đã rõ” ở đây thuộc về không gian sống và chi phí giảm. KT&ĐS đã từng nhiều lần mô tả không gian sống trong các công trình nhà ở được các kiến trúc sư ứng dụng kiến trúc sinh thái trong thiết kế.

Tại TP.HCM, trung tâm tiết kiệm năng lượng đã ra đời và làm việc từ năm 2001. Kỹ sư Phạm Huy Phong, trưởng phòng kỹ thuật - nghiên cứu và phát triển thuộc trung tâm tiết kiệm năng lượng TP.HCM cho biết: “Trung tâm đã từng biên soạn và tuyên truyền các tài liệu hướng dẫn việc thiết kế nhà có thể tiết kiệm năng lượng trong quá trình sử dụng. Trung tâm cũng đã có những buổi hội thảo, làm việc với trường đại học kiến trúc TP.HCM nhằm phổ biến các tài liệu này nhằm ứng dụng nó trong thiết kế. Năm 2007 có cuộc thi của bộ công nghiệp dành cho các toà nhà sử dụng năng lượng hiệu quả nhất. Toà nhà Diamond và khách sạn New World đã đạt giải thưởng này”. Theo kỹ sư Phạm Huy Phong, nguyên tắc căn bản của việc tiết kiệm năng lượng là tạo ra môi trường thông thoáng, nhiều ánh sáng để trước hết là giảm thiểu việc sử dụng các thiết bị điện như máy lạnh, đèn... Tiếp đó là làm sao để các thiết bị điện có thể sử dụng đạt hiệu suất cao nhất.

Tuy nhiên, trả lời KT&ĐS, ông Phong thừa nhận, hiện trung tâm chưa có một nghiên cứu nào về một ngôi nhà cụ thể là khi thiết kế theo kiến trúc sinh thái thì thực tế có tiết kiệm được điện không, tiết kiệm được bao nhiêu? “Các số liệu vẫn dựa trên nghiên cứu của nước ngoài là chủ yếu”, kỹ sư Phong nói.

Trong mùa khan hiếm điện, thiếu nước, xin trở lại một số công trình để kiểm nghiệm thực tế “chi phí giảm”!

“Kiến trúc sinh thái có thể hiểu một cách ngắn gọn là kiến trúc có xem xét đến điều kiện khí hậu của địa điểm trong tác động tới con người... Trong nhà ở, nó có thể là giải pháp tận dụng năng lượng mặt trời, cung cấp và sử dụng ánh sáng tự nhiên. Đó cũng có thể là thông gió tự nhiên, tận dụng nước mưa và tiết kiệm nước”. (KT&ĐS số xuân Mậu Tý)

Chủ nhà nói gì?

Ông Nguyễn Duy Tâm, chủ nhân căn nhà trong bài “Đưa một cánh gió vào nhà” trong tạp chí KT&ĐS số 12 tháng 4.2007 cho biết: “Tôi ở căn nhà này đã được hai năm. Diện tích nhà là 4,4 x 17,2m, có bốn tầng số tiền điện sử dụng khoảng 700.000đ/tháng. Trong nhà sử dụng hai máy lạnh, một cái công suất 2HP và một cái 1,5HP. Nếu nhà mở cửa thông gió thì thoáng mát cảm nhận được gió trong nhà, nhất là các lối giao thông do làm bằng các sàn sắt hở. Nhà một mặt hướng tây nhưng không bị nóng và bí như nhà cũ trước khi xây lại. Sống trong nhà cảm thấy thoải mái và dễ chịu”.

Các tấm sắt hở góp phần cho gió thông thoáng trong nhà

Bà Đào Thuý Sinh, chủ nhân căn nhà trong bài “Lọc nắng, thuần gió gom mưa” đăng trên tạp chí KT&ĐS số xuân Mậu Tý tháng 1&2.2008 cho biết: “Nhà tôi có diện tích 5 x 12,7m. Tôi đã ở được 5 tháng. Tôi thấy, với cách thiết kế nhà có hai lớp và các cửa sổ đón nắng gió, nên nhà ban ngày cho tới chiều tối hầu như không phải bật đèn. Không như nhà cũ của tôi, ban ngày đi đến đâu phải bật đèn đến đấy. Bây giờ mới là đầu mùa hè ở Hà Nội, chưa nóng nhiều nên tôi vẫn chưa phải sử dụng máy lạnh do nhà thoáng. Hiện nay tôi chỉ dùng điện thắp sáng là chủ yếu, chí phí tiền điện trung bình khoảng 200.000đ/tháng. Thật khó so sánh hai ngôi nhà với nhau do khác về diện tích, số phòng nhưng về số tiền thì có thể nói được. Ở ngôi nhà cũ tôi phải trả 500.000đ/tháng cho tiền điện chưa kể tiền cho máy lạnh. Tôi phải để ý đến con số này vì khi xây nhà mới, tôi phải bỏ tiền ra để làm thêm bức tường che nắng”.

Bài toán với bức tường

Để đi đến giải pháp “lọc nắng bằng hai lớp da”, KTS Lê Lương Ngọc phải dựa trên những tính toán cụ thể. Xin giới thiệu tính toán truyền nhiệt qua hai mặt tường tây bắc và tây nam của ngôi nhà bà Đào Thuý Sinh ở Hà Nội để bạn đọc tham khảo.

Bức tường lọc nắng nhìn từ ngoài (ảnh trên) và từ bên trong (ảnh bên)

Cấu tạo tường

Phương pháp tính lượng nhiệt vào nhà qua tường:

1. Công thức

Q = A.U. [(Tm – Ti) + (T - Tm)] (6.7)

Trong đó:

Q = cường độ dòng nhiệt tức thời tính bằng W

A = diện tích m2
U = hệ số truyền nhiệt W/m2.oC
Tm = nhiệt độ tổng ngoài nhà trung bình ngày độ C
Ti = nhiệt độ trong nhà (hằng số), oC
T = nhiệt độ tổng ngoài nhà trước giờ, oC
= hệ số tắt dần
= thời gian trễ, giờ.

Kết quả tính:

Phương án có tường ngoài (UCO)

1. Mặt tường hướng tây nam
Diện tích phần tường 143m2
Tm=31,5oC
Q1=143 x 1,15 x [(31,5 – 25)+0,1818 (28 – 31,5)]=964W.

2. Mặt tường hướng tây bắc
Diện tích phần tường 37m2
Bức xạ trên lúc
Tm=32,5oC
Q2=37 x 1,15 x [(32,5 – 25)+0,1818 (30 – 32,5)] = 307W
Quco=Q1+Q2=1272W.

Phương án chỉ dùng tường gạch (không có UCO)

1. Mặt tường hướng tây nam
Diện tích phần tường 143m2
Tm=31,5oC
Q1=143 x 1,99 x [(31,5 – 25)+0,54 (33 – 31,5)] = 2080W.

2. Mặt tường hướng tây bắc
Diện tích phần tường 37m2
Bức xạ trên lúc 14h30 338 W/m2
Tm=32,5oC
Q2=37 x 1,99 x [(32,5 – 25)+0,54 (37 – 32,5)=731W
Qo= Q1+Q2=2811W.

Kết luận: lượng nhiệt giảm đi so với phương án không dùng Uco:
(Qo-Quco)/Qo=(2811-1272)/2811=54%.

Bản vẽ mô tả hướng nắng, gió trong 4 mùa tại căn nhà của ông Nguyễn Duy Tâm, một căn nhà được thiết kế thân thiện với môi trường

Bài: Hưng Long
Ảnh: T.T

Ý kiến:

Sử dụng năng lượng có hiệu quả: chậm nhưng chưa quá muộn!

KTS Giang Ngọc Huấn
Khoa Kiến trúc - Đại Học Kiến trúc Tp.HCM

Trong thiết kế công trình kiến trúc nhà ở cao tầng nói riêng và nhà ở nói chung việc bố trí nhiều nhà, căn hộ trên một mặt bằng tầng xét về phương diện đảm bảo điều kiện tiện nghi vì khí hậu và sử dụng năng lượng có hiệu quả, sẽ có những căn hộ thuận lợi. Đó là căn hộ tiếp cận với tự nhiên được mở về hướng có lợi; đồng thời cũng có những căn hộ không thuận lợi. Nghiên cứu giải pháp thiết kế kiến trúc cần đảm bảo cho các căn hộ có vị trí ở các hướng không thuận lợi vẫn có thể hạn chế được những tác động từ môi trường tự nhiên như bức xạ mặt trời và quan trọng nhất là nhận được những nguồn năng lượng gió từ tự nhiên, thông qua đó góp phần giảm mức độ tiêu hao năng lượng sử dụng trong công trình. Để đảm bảo yêu cầu thông gió tự nhiên cho các căn hộ trong kiến trúc nhà ở cao tầng phải đồng thời kết hợp nhiều giải pháp thiết kế khác nhau:

Bố cục hình khối công trình tạo ra các khoảng không gian mở để tạo ra trường gió và áp lực của gió khi thổi đến bề mặt tất cả các căn hộ.

Thiết kế hệ thống giếng trời trong hình khối của công trình, qua đó tạo hiệu ứng chênh lệch nhiệt áp giữa khối không khí xung quanh và khối không khí phía trên giếng trời, hiệu ứng đón gió xoáy trên bề mặt khối ở phía khuất gió để thông gió cho các căn hộ ở vị trí không thuận lợi theo hướng gió tự nhiên thổi đến.

Thiết kế căn hộ có nhiều bề mặt tiếp cận với môi trường tự nhiên.

Để đảm bảo hiệu quả của công trình trong thực tế vận hành, phải kết hợp nhiều giải pháp trong phương án thiết kế kiến trúc, trong đó chú trọng ưu tiên đến các giải pháp then chốt có tính quyết định và chi phối đến các giải pháp khác, ví dụ như giải pháp quy hoạch không gian phù hợp với đặc trưng của môi trường sinh thái tự nhiên, giải pháp thiết kế hình khối công trình, bố cục các công trình trong tổng thể, giải pháp thiết kế các không gian mở, giải pháp sử dụng vật liệu, màu sắc và hình thức cấu tạo trên vỏ bao che của công trình, giải pháp bố trí các không gian chức năng trong công trình, vị trí các căn hộ trong khối công trình, bố trí không gian từng căn hộ trong nhà ở cao tầng, v.v… nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo yêu cầu của các giải pháp có tính thứ yếu như giải pháp thiết kế cấu trúc ngăn chia không gian bên trong công trình, thiết kế hệ thống cửa, hệ thống cấu trúc che nắng trên các bề mặt cửa, thiết kế hệ thống mặt nước cây xanh trong công trình, v.v...

Nghiên cứu tiếp cận các xu hướng thiết kế tiên tiến và học hỏi để ứng dụng vào thực tiễn xây dựng hiện nay dù chậm nhưng chưa thật sự quá muộn.

Thursday October 16, 2008 - 12:54am (PDT) Permanent Link | 0 Comments
Cầu thang an toàn
Cầu thang an toàn magnify

source

http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=36074&fld=HTMG/2008/0620/36074

Ngày 21.06.2008 Giờ 08:35

Cầu thang an toàn

Một số kích thước tiêu chuẩn an toàn cho trẻ khi thiết kế lan can – cầu thang

Nnhiều người nghĩ rằng “nhà mình không có trẻ em”(?) nên không quan tâm đến yếu tố an toàn khi thiết kế lan can cầu thang. Một hệ thống lan can, cầu thang an toàn không những bảo vệ cho trẻ em mà còn giảm thiểu những đáng tiếc xảy ra trong quá trình sử dụng cho cả người lớn. Theo tiêu chuẩn xây dựng hiện nay, lan can trong nhà ở thấp tầng (biệt thự, nhà phố nhỏ) tối thiểu cao 0,9m. Khi thiết kế (hoặc chọn lựa) mẫu lan can, cầu thang nên chú ý cấu tạo các thanh lan can sao cho khó leo trèo, khoảng cách giữa hai thanh đứng (hoặc ngang, chéo tuỳ mẫu) không lớn hơn 10cm để tránh trường hợp trẻ em chui đầu qua.

Ngoài ra, có thể dùng kính cường lực làm lan can cầu thang. Những ban công và lan can cầu thang bằng kính cường lực thoạt nhìn có vẻ “mong manh”, nhưng thực tế nó an toàn và vững chắc tương đương, thậm chí cao hơn so với lan can bằng sắt hay gỗ. Đây cũng sẽ là những màng ngăn trong suốt ngăn các vật rơi từ trên cao xuống, giúp an toàn hơn cho người đi lại và sử dụng không gian ở bên dưới. Tất nhiên là chọn mẫu lan can và cầu thang còn tính tới sự hài hoà về kiểu dáng, kết cấu so với bố cục căn nhà.

Lan can cầu thang bằng kính cường lực khá an toàn và thẩm mỹ

Chỉ nên sử dụng dây cáp làm lan can trong nhà có trẻ đã lớn và tại những vị trí thấp, ít nguy hiểm

Lan can cầu thang bằng kính cường lực khá an toàn và thẩm mỹ

Có thể dùng chậu cây để ngăn không cho trẻ tiếp cận các vị trí lan can dễ leo trèo

Lan can sắt tròn, đứng, có khoảng cách giữa hai thanh nhỏ hơn 10cm

bài Huyền Thy ảnh Trường Ân

Giá tham khảo:

Các cửa hàng lan can sắt, inox, kính cường lực khu vực đường Tô Hiến Thành, Lý Thường Kiệt (quận 10, 11 và Tân Bình): Lan can sắt uốn: giá từ 500.000đ đến 750.000đ/m2 tuỳ theo mẫu. Lan can ban công, lan can thang kính cường lực 10mm, liên kết bằng chốt inox, giá từ 950.000đ – 1.150.000đ/m2.

Thursday October 16, 2008 - 12:49am (PDT) Permanent Link | 0 Comments
Những bất an dưới mái nhà
Những bất an dưới mái nhà magnify

source

http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=37736&fld=HTMG/2008/0722/37736

Ngày 23.07.2008 Giờ 15:19

Những bất an dưới mái nhà

Có nhiều sự bất an khi sống trong ngôi nhà được thiết kế, trang bị không đúng cách mà thường hoàn thiện nhà xong, chủ nhà mới thấy những mối nguy đó... rình rập. Ông Sáu Tô ở quận 10 phải bóp, bốc thuốc một tuần vì trượt chân té, lưng đập vào thành bồn cầu là một trong những trường hợp như vậy

Tay nắm thiết kế không đúng có thể gây giập tay người đóng cửa

Lo vì thiết kế xây dựng thiếu chuẩn mực

Ốp lát lại toàn bộ nhà vệ sinh đã xuống cấp, ông Tô bảo thợ, “chú nhớ chọn mua loại gạch màu sáng nghen, vì toilet không được rộng lắm nên phải dùng màu sáng”. Vách gạch men trắng bóng loáng - cũng đặng, anh thợ lát luôn gạch bóng đó xuống sàn vệ sinh; chưa đầy một tháng ông Tô... té! Giờ ông Tô nói, “phải để sẵn đôi dép Lào trong nhà vệ sinh, cao su gặp nước nó rít, tôi dặn cả nhà mang nó mà đi...”.

Không ít trường hợp trượt té vì sàn nền toilet, sân lát gạch trơn bóng. Có khi đã chọn loại gạch lát gồ ghề, hoa văn gập ghềnh như đá, có sứa dọc ngang để bám chân, bám bánh xe máy nhưng vẫn... trượt. Vì duy chỉ một điều là nó trơn bóng, dù là gạch men hay gạch granite; cần chọn thứ nhám mờ mới khắc phục được việc bị trượt. Cũng ông Tô, đánh vòng xe máy trước sân cơ quan lúc mưa lâm râm lại bị trượt, xe đổ nghiêng, “may mà dọt mới năm cây số/giờ”, ông Tô ngao ngán.

Độ thông thuỷ – khoảng cách chiều cao ở buồng cầu thang đi lên các tầng lầu không đúng chuẩn là nguyên nhân gây... u đầu. Nhất là những cái đà bê tông “gánh” các mâm chiếu nghỉ cứ lồ lộ ra gây vướng khi lưu thông thang lầu. Đã nhiều căn nhà phải sử dụng dịch vụ khoan cắt bê tông vạt bớt cạnh đà; có nơi đắp vào “chỗ nguy” đó một cục vải để hạn chế... sưng tấy cái đầu lên; có nơi viết tấm bảng: “coi chừng đụng đầu!” gắn lên cái đà bất hợp lý đó. Và những cái đà vắt ngang cửa xuống tầng hầm thường hay mắc phải lỗi thiết kế xây dựng này. Kỹ sư Nguyễn Văn Đực cho biết, tất tất đều có thể tính toán và thiết kế để có thể “giấu” những cái đà đó trong tường, trong sàn. Để lộ ra vừa mất thẩm mỹ vừa choán không gian sinh hoạt và đi lại.

Bông gió đặt không phù hợp trong phòng ngủ gây cảm giác bất an

Sử dụng kính làm cửa, làm vách ngăn ngày càng trở nên thông dụng trong kết cấu nhà ở, vừa lấy tốt nguồn sáng trời, vừa cản bớt được tiếng ồn, bụi bặm. Tuy nhiên ứng dụng không đúng chủng loại có nguy cơ... chảy máu. Hai đứa con trai bậc tiểu học ngồ ngộ ngang nhau của ông Huy Thành ở Tân Bình nghịch ngợm lấy banh đánh golf ném nhau vỡ cửa kính phòng. “Một thằng bị kính bể chém toác chân phải đi khâu mấy mũi”, ông Thành kể. Do loại kính ông dùng không phải là kính cường lực hay kính dán hai lớp - chủng loại kính này khi lỡ bị vỡ kính sẽ rơi ra từng hạt nhỏ hay chỉ thấy rạn nứt chứ không rớt ra từng mảng để có thể chém vào người. Và kính làm mặt bàn cũng cần chọn đúng chuẩn, để an tâm hơn trong sinh hoạt thường khi.

Đến tối đóng cửa sổ đi ngủ, bà Phương ở Q.3 mới phát hiện mất hai cánh cửa sổ gỗ căm xe bên hông nhà ở tầng trệt. Số là bản lề bắt chỉ xuôi theo một chiều nên những tay đạo chích dễ dàng nhấc lên và... tẩu. Nếu bản lề, cái gài xuôi, cái gài ngược thì không thể nhấc lấy gọn như vậy, muốn gỡ phải dùng vít mở hay cạy mới có thể mang đi được.

Lo vì cảm giác bất an

Đã có ít trường hợp gây chết người vì máy tắm nước nóng trực tiếp được ghi nhận. Việc sử dụng nguồn điện làm nóng nước trong môi trường ẩm ướt là mối nguy cao, mặc dù những sản phẩm này đều có cầu dao chống rò điện (ELCB). Khi có sự cố rò điện, cầu dao này tự động ngắt điện nguồn. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng chắc ăn hơn cả là hứng lấy nước nóng trước rồi tắt máy mới tắm. Mối nguy càng cao hơn khi cho con trẻ một mình vào phòng tắm tự tung sử dụng những thiết bị điện này. Theo kỹ sư Tống Kim Ty, để có độ an toàn cao, nên sử dụng loại máy tắm nước nóng gián tiếp, sau khi nước đã được nấu trong bồn chứa, tắt máy rồi hoà với nước lạnh để dùng. Vững tâm hơn, có thể lắp đặt hệ thống làm nước nóng bằng năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng không hề thiếu, nhất là xứ nhiệt đới như Việt Nam.

Cũng về điện – mối âu lo muôn thuở trong sinh hoạt hàng ngày nên hệ thống điện nhà cần có người chuyên môn thiết kế đúng chuẩn mực. Nhất là nhà có trẻ con, hạn chế những ổ cắm điện thấp ngang tầm tay trẻ; nếu có, phải đóng bít lại bằng những nắp, nút thật chặt – trẻ không thể bẩy ra. Trong phòng trẻ không đặt những vật dụng sắc bén, có góc cạnh. Chị Mai giáo viên ở Phú Nhuận kể, chị treo tấm gương trong phòng cho bé Bi soi mà cười vui. “Ai ngờ có hôm cu Bi lấy được chùm chìa khoá của mẹ đập bóng nó trong gương vỡ toang. May mà phát hiện kịp thời, cháu không bị miểng cắt, hú hồn!”, chị Mai nói.

Ổ điện không hợp lý, kém an toàn

Đó là những mối nguy thực tiễn, còn những âu lo khác do cảm giác mang lại như thiết kế trần treo, những vật dụng buông từ trên cao xuống – không khéo sẽ cho ấn tượng nặng nề, cảm giác sẽ bị rơi... Hôm rồi, KTS Huỳnh Minh Cảnh nhận hợp đồng cho thợ đi tháo mảng trần treo thạch cao trong các phòng ngủ nhà ông Tài ở Q.2. KTS Cảnh cho biết, do “chủ nhà nằm ngủ mà cứ sợ mảng trần đó rớt!”, cảm giác khi ngủ cần không gian nhẹ nhàng càng hay. Những cái đèn chùm, đèn lồng treo trong phòng khách, trên bàn ăn... cũng là đối tượng gây sự bất an và tâm lý bị đè nặng lên những người ngồi bên dưới. Cần tránh treo các vật dụng đó ngay trên... đầu.

Còn biết bao mối lo âu khác trong chỗ an cư ấy, đến độ KTS Dương Văn Việt phải thiết kế cho gia chủ của mình một buồng riêng kiên cố vách dày 20cm ngoài hành lang để chỉ đựng... bình gas. “Như vậy chủ nhà mới an tâm”, KTS Việt nói.

Bài: Nguyễn Tâm
Ảnh: H.T và tư liệu bạn đọc KT&ĐS

Nền nhà thấp hơn nền hiên, phải làm gờ chắn nước, gây khó khăn khi đi lại

Cầu thang kích thước không phù hợp có thể đụng đầu

Thursday October 16, 2008 - 12:41am (PDT) Permanent Link | 0 Comments
Trong thế giới ốp lát
Trong thế giới ốp lát magnify

source

http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=38853&fld=HTMG/2008/0812/38853

Ngày 12.08.2008 Giờ 14:59

Trong thế giới ốp lát

Bài này, người viết không có tham vọng đưa ra một thống kê tổng hợp về các loại vật liệu ốp lát, giới thiệu tính năng của chúng; hay nghiên cứu về kỹ thuật ốp lát; cũng như không đưa ra một nguyên tắc bất di bất dịch cho công việc này. Chúng tôi muốn đưa ra một cái nhìn khái quát từ đầu đến cuối ở nhiều góc độ có liên quan. Mỗi người sẽ có một cách nhìn, cách nghĩ và làm khác nhau. Chuyện “hoa mắt” với gạch ốp lát là đương nhiên. Đó cũng là một câu chuyện nghề!

Khi xây nhà, giai đoạn hoàn thiện là giai đoạn khó khăn, phức tạp kiểu khác, mà kiến trúc sư là người thấu hiểu hơn ai hết. Một trong những chuyện vẫn luôn gây nhức đầu và hoa mắt là chọn vật liệu ốp lát.

Gạch gốm và đá tự nhiên kết hợp tạo cảm giác tự nhiên linh hoạt, thoải mái

Nỗi khổ ốp lát

Các sản phẩm mới liên tục ra đời với nhiều mẫu mã đẹp, kích thước linh hoạt, tính năng ưu việt. Các nguồn cung cấp cũng rất phong phú, từ những doanh nghiệp trong nước, liên doanh, các sản phẩm nhập trực tiếp từ nước ngoài với giá cả từ cao cấp đến bình dân. Khi công trình vào giai đoạn hoàn thiện, vấn đề chọn vật liệu ốp lát thường làm hoa mắt cả kiến trúc sư lẫn chủ nhà.

Thông thường, kiến trúc sư là người quyết định các vật liệu ốp lát để đảm bảo tính năng sử dụng và phù hợp thẩm mỹ chung. Trong thực tế, vấn đề này khá quan trọng. Chọn đúng vật liệu, ngoài tiện ích về công năng, còn có thể tôn tạo không gian kiến trúc, và ngược lại. Bên cạnh đó, giải pháp ốp lát cũng như một bài toán thiết kế. Phải tính toán hướng ốp lát để đảm bảo cân đối, hài hoà, chẵn viên, liền mạch... không bao giờ là việc dễ dàng, đặc biệt với những bề mặt đan xen vật liệu khác nhau và kích thước viên khác nhau.

Đã qua rồi thời kỳ hồ sơ thiết kế chỉ ghi trên mặt cắt là: “Lát gạch ceramic 300 x 300”, mà bây giờ, hầu như với tất cả công trình, bản vẽ mặt bằng, mặt cắt ốp lát là không thể thiếu. Điều đó hẳn làm cho chất lượng công trình được tốt hơn. Tuy nhiên, không phải cứ bản vẽ đủ, thể hiện kỹ và đủ thông tin là có thể ra được sản phẩm tốt. Chuyện “hoa mắt” vẫn là câu chuyện dài.

Để có một cơ sở tốt cho khâu thiết kế, từ nguyên tắc và đặc tính vật liệu, kiến trúc sư mới tiến hành chọn mẫu (màu sắc, kích thước…). Không phải nhà cung cấp vật liệu nào cũng có đủ thông tin qua những catalogue để KTS tham khảo và chọn lựa, nhất là những vật liệu không sản xuất theo quy trình công nghiệp (vật liệu tự nhiên). Thêm nữa, cho dù có được các thông tin và hình ảnh qua tài liệu, thì việc được “tận mắt nhìn, tận tay sờ” vẫn không bao giờ thừa. Chủ nhà cũng không dễ hình dung qua các bản vẽ ốp lát mà họ cũng có nhu cầu y như vậy. Thế nên, chuyện kiến trúc sư và chủ nhà cùng nhau đi chọn vật liệu ốp lát là chuyện thường thấy.

Đá cẩm thạch cho cảm giác sang trọng và mát mẻ

Khi ngôi nhà chưa thành hình, chủ nhà thường ít can thiệp; nhưng khi đã sang giai đoạn hoàn thiện, họ thường muốn đưa những ý kiến và sự lựa chọn vào. Đây thường là vấn đề xung đột với KTS. Đơn giản nhất là chuyện đã thiết kế theo một loại vật liệu này, nhưng chủ nhà đi xem và thích một loại khác. Những người bán hàng thì rất khéo chào mời và giới thiệu sản phẩm của họ. Có thể sản phẩm đó đẹp thật, tốt thật, nhưng có phù hợp với từng không gian và yêu cầu cụ thể hay không lại là chuyện khác. Đó là nỗi khổ của nhiều KTS khi buộc phải “dung dăng dung dẻ” với chủ nhà: nhẹ thì mất thời gian thuyết phục; nặng thì bất đồng, ảnh hưởng tới mối quan hệ và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng công trình. Không đi cùng thì không có sự đồng thuận, đi cùng thì hay phát sinh nhiều vấn đề khó kiểm soát. Nhiều văn phòng, công ty tư vấn cũng có vật liệu mẫu; nhưng số lượng, chủng loại vật liệu mẫu không thể so sánh với các trung tâm vật liệu xây dựng. Rồi chuyện chủ nhà không theo thiết kế mà tự chọn vật liệu ốp lát theo ý mình (họ tự cho mình quyền đó) rồi mua về bảo thợ làm, KTS thường chỉ biết than thở.

Chưa hết, bản thân KTS cũng vấp phải rất nhiều khó khăn về vấn đề này, ngay cả khi đã đạt được sự đồng thuận với chủ nhà. Từ lúc thiết kế tới khi thi công ốp lát, nhanh cũng mất vài tháng, chậm có thể hàng năm. Không ai đảm bảo là những vật liệu sử dụng cho thiết kế sẽ còn khi thi công. Việc hết hàng, huỷ mẫu... của nhà cung cấp, nhà sản xuất là bình thường. Và KTS lại phải đi tìm một mẫu vật liệu tương tự khác; hay tệ hơn, thiết kế lại ốp lát ngay trong giai đoạn thi công. Lại một quy trình “hoa mắt” mới cùng chủ nhà.

Tại sao phải ốp lát?

Câu trả lời rất đơn giản, nhưng có lẽ cũng cần phải hiểu ở góc độ kỹ thuật một chút thì khi đi vào sâu vấn đề mới dễ dàng. Ốp và lát là việc tạo - phủ những bề mặt bằng vật liệu khác nhằm phù hợp với yêu cầu sử dụng, đặc tính kỹ thuật và nhu cầu thẩm mỹ.

Thực ra, ốp và lát giống nhau về bản chất. Lát được dùng cho những mặt phẳng ngang (nền, sàn), ốp được dùng cho các mặt đứng (tường, vách). Để dễ trao đổi, có thể gọi chung là “ốp lát”. Có nhiều cách phân loại cho nội dung công việc này:

Trong nhà vệ sinh, phổ biến nhất vẫn là gạch ceramic

* Theo mục đích sử dụng.

Ốp lát để tạo bề mặt thích hợp cho việc sử dụng (lát sàn bằng vật liệu nhẵn cho sạch sẽ, lát sân bằng vật liệu nhám để chống trơn...), có kết hợp yếu tố trang trí.

Ốp lát để bảo vệ các bề mặt, kết cấu bao che trước các yếu tố xâm thực (lát sàn, ốp tường khu vệ sinh, ốp chân tường... để tránh thấm nước, tránh rêu mốc...), có kết hợp yếu tố trang trí.

Ốp lát trang trí thuần tuý (không có ý nghĩa công năng).

* Theo khu vực, bề mặt.

- Lát nền, sàn.

- Ốp tường (trong khu vệ sinh, các mảng trang trí).

- Ốp tường mặt ngoài công trình (tạo hiệu quả thẩm mỹ, tạo bề mặt che phủ thay sơn).

- Ốp lát trong nhà, ốp lát ngoài trời.

* Theo nhóm vật liệu chính.

- Vật liệu gỗ (gỗ tự nhiên, gỗ công nghiệp...).

- Gạch (gạch đất nung, gạch ceramic, gạch xi măng...).

- Đá (tự nhiên, nhân tạo).

- Các vật liệu khác (nhôm, kính, thảm, các vật liệu composit mới, vật liệu hỗn hợp…).

Trong mỗi nhóm vật liệu lại có thể phân chia nhỏ hơn nữa. Ở đây chỉ khái quát ở những nguyên tắc chung và những nhóm cơ bản.

Mặt tủ bếp bằng đá granite là giải pháp tối ưu

Để không hoa mắt và có ngôi nhà đẹp

Với kiến trúc sư, hay chủ nhà cũng vậy, khi chọn lựa vật liệu ốp lát cho công trình, phải căn cứ vào một số nguyên tắc nhất định để đảm bảo tính hợp lý và không bị “hoa mắt” giữa các chủng loại vật liệu trên thị trường. Tuy nhiên, các nguyên tắc này khi vận dụng cũng hết sức linh hoạt. Tạm tổng kết các nguyên tắc như sau:

Đúng tính năng sử dụng:

Đây là yếu tố quan trọng đầu tiên. Dù là vật liệu có hình thức, màu sắc như thế nào thì phải đúng tính năng sử dụng của không gian đó. Tuỳ theo yêu cầu công năng đặc thù của không gian, khu vực đó mà chọn vật liệu phù hợp. Ví dụ: ốp tường vệ sinh phải đảm bảo yêu cầu chống thấm, dễ cọ rửa; sàn vệ sinh phải chống thấm, chống trơn - trượt, sân phải có khả năng chịu lực tốt, chống trơn...

Tương đồng với không gian kiến trúc:

Kiến trúc sư là người nắm rõ nhất điều này để đề xuất những loại vật liệu phù hợp, đưa ra giải pháp ốp lát tốt về hướng nhìn; nội dung, ý tưởng thể hiện trên bề mặt (nếu có). Cái đẹp phải là hài hoà. Một loại gạch đẹp nhưng đưa vào bề mặt, vào không gian cụ thể chưa chắc đã đẹp. Gạch đắt tiền cũng không làm nên cái đẹp. Ví dụ: các không gian, các khu vực cần sáng sủa, hoặc thiếu sáng không nên dùng gạch tối màu, không gian trang nghiêm như phòng thờ có thể lát đăng đối với màu trầm, không gian phòng trẻ em có thể lát tự do, màu sắc trẻ trung... Các không gian ngoại thất như sân vườn nên sử dụng các loại vật liệu có nguồn gốc tự nhiên, màu trung tính như đá, gạch gốm…

Tỷ lệ hài hoà:

Vật liệu ốp lát phải có tỷ lệ hài hoà với không gian và diện tích ốp lát. Với những không gian nhỏ như phòng vệ sinh, không nên chọn những vật liệu có kích thước quá lớn. Vật liệu có kích thước lớn gây cảm giác không thuận về thị giác mà còn làm cho việc phải cắt viên do không chẵn gây mất thẩm mỹ. Với những diện lớn thì không nên dùng gạch - đá có kích thước nhỏ, gây “nát” bề mặt và khó làm phẳng mặt do có quá nhiều mạch.

Khai thác đúng đặc tính cơ lý vật liệu:

Mỗi loại vật liệu có những đặc tính cơ lý, cấu trúc khác nhau. Hiểu và khai thác đúng những đặc tính đó sẽ làm những khu vực ốp lát có chất lượng và thẩm mỹ; khai thác được những ưu điểm, tránh được nhược điểm của mỗi loại vật liệu. Ví dụ: đá granite có tính đồng chất cao, kết cấu chắc, không có thớ... nên ưu tiên sử dụng cho những chỗ nền, sàn, mặt thao tác dễ va đập, chịu lực... như mặt bậc, bậu cửa, mặt bếp...; các loại đá có vân thớ, dễ nứt vỡ chỉ nên ốp tường, không nên lát sàn; gỗ không nên lát ở sàn tầng trệt và các khu vực có nguy cơ ngấm nước... Các khu vực ngoài trời phải sử dụng những loại vật liệu bền trước tác động môi trường hơn là ở trong nhà...

Phù hợp phong thuỷ và tâm lý của chủ nhà:

Đây là nguyên tắc khá… linh hoạt và đòi hỏi KTS phải có kiến thức tổng hợp nhất định ngoài các kiến thức mang tính kỹ thuật như trên đề cập. Mỗi loại vật liệu có một ảnh hưởng nhất định tới không gian và tâm lý con người. Chọn vật liệu phù hợp dẫu theo nguyên tắc nào cũng vẫn phải hướng tới sự thoải mái cho người sử dụng. Nắm bắt được điều đó, ngoài sự hiểu biết còn cần cả sự nhạy cảm của người làm tư vấn. Không phải ngẫu nhiên mà gỗ luôn là ưu tiên số một cho vật liệu sàn nhà ở, bởi gỗ (thuộc hành mộc) có tính dương so với các loại vật liệu gạch đá (thuộc hành thổ) khác. Gỗ cho cảm giác ôn hoà, ấm áp, rất phù hợp với nhà ở. Cũng tương tự, trong nội thất không nên sử dụng quá nhiều đá, vì đá cho cảm giác lạnh lẽo. Hiểu rõ các vấn đề liên quan đến chủ nhân ngôi nhà và ngôi nhà (tuổi tác, mệnh, hướng…) để đưa các loại vật liệu phù hợp cũng là một nguyên tắc cần coi trọng.

Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức Anh
Sân vườn sử dụng đá tự nhiên và nhám

Một mảng ốp trang trí thuần tuý

Sàn gỗ luôn là lựa chọn hàng đầu

Lát sàn kết hợp vật liệu và tạo hiệu ứng hoa văn tự do

Thursday October 16, 2008 - 12:27am (PDT) Permanent Link | 0 Comments
Giải pháp xây nhà chạy giá
Giải pháp xây nhà chạy giá magnify

source

http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=39380&fld=HTMG/2008/0824/39380

Ngày 26.08.2008 Giờ 07:08

Giải pháp xây nhà chạy giá

Nhiều người đến phân trần với các công ty tư vấn thiết kế xây dựng rằng, “tôi có 600 triệu, 800 triệu hay 1 tỉ tư... dành dụm bao lâu rồi, dự trù xây một lầu, ba lầu... nay có cách nào giúp làm cho được cái nhà không; chứ giờ mà không xây biết đến khi nào mới làm nổi, giá thì cứ trượt mãi!” Đó là thực tế, tính từ đầu năm 2007 đến nay giá xây dựng nhà đã tăng lên gấp rưỡi

Có thể phân bổ kinh phí cho những phần cơ bản. Phần còn lại hoàn thiện khi có điều kiện. Ảnh: H.T (ảnh chỉ mang tính minh hoạ)

"Liệu cơm gắp mắm”

Trước tình hình giá cả biến động, các người trong ngành đưa ra những giải pháp để có thể xây dựng nhà trong buổi trượt giá này với khoản tiền sẵn có. Bởi, hiện ngân hàng dường như không còn cho vay để đầu tư vào bất động sản nữa. Mà có vay được để xây nhà ở thì lãi suất vay cũng cao, khó có thể kham nổi. Chẳng bằng gì hơn là xây theo dạng... “liệu cơm gắp mắm”.

Để thực hiện được, theo kiến trúc sư Vương Hoàng Lê, giám đốc công ty LDC thì cần phân bổ kinh phí trước tiên cho những không gian chức năng cơ bản, cần thiết nhất để “sống” như nơi tiếp khách, bếp ăn, nhà vệ sinh, nơi sinh hoạt. Sau đó, sẽ cân đối tài chính để có thể thực hiện thêm những khu vực khác, cũng cần nhưng thứ yếu hơn như nhà để xe, kho, phòng thờ, nơi giặt giũ, sân vườn. Những không gian chức năng sau cùng sẽ thực hiện tiếp theo khi hội đủ điều kiện là khu vực giải trí thư giãn, thể dục, phòng karaoke...

Lập kế hoạch xây dựng, ví dụ, dự định xây một trệt hai lầu nhưng kinh phí chỉ trang trải được có phân nửa thì nên làm nền móng công trình hoàn thiện 100% và khung xương nhà theo dự định có hai lầu. Nhưng phần hoàn thiện chỉ thực hiện ở tầng trệt chẳng hạn, với những không gian sống cơ bản nhất. Sau đó, có điều kiện tài chính mới hoàn thiện dần các khu chức năng của các tầng trên. Có như vậy, về sau, khi hoàn tất ngôi nhà sẽ không bị chắp vá và làm đúng được như ý nguyện thiết kế ban đầu.

Kỹ thuật “xây chờ” và chọn vật liệu vừa túi

Hoặc, ví dụ, dự định xây một trệt, ba lầu thì làm móng, cột đủ tải cho dự định này nhưng chỉ xây trệt và một lầu, đúc sàn làm mái luôn thể. Kỹ sư Bắc cho rằng, khi đó, cũng trổ luôn cầu thang đi lên và làm chuồng cu che chắn đơn giản vì về sau sẽ phá bỏ. Hoặc nhà rộng, dài, có thể xây phần phía trước trước, về sau sẽ xây nối tiếp phần sau; nhưng nhất thiết phải thiết kế một lần toàn bộ ngôi nhà hoàn chỉnh.

Kỹ sư Nguyễn Văn Bắc, giám đốc công ty xây dựng Vietcity cho biết, xây phần thô giá 1,7 – 1,8 triệu đồng/m2 từ đầu năm 2007 tăng lên khoảng 2,6 triệu đồng/m2 tại thời điểm này; cộng thêm phần hoàn thiện nữa thì giá thành phải đến 4,2 – 4,5 triệu đồng/m2. Hầu hết mọi vật liệu xây dựng từ phần thô, phần hoàn thiện (từ cây sắt đến cái đinh vít) cho đến tiền công thợ đều tăng.

Về kỹ thuật phải để thép chờ cho cột và dầm, KS Bắc cho biết, trước đây người ta đắp bê tông mác thấp vào vị trí thép chờ để chống gỉ sét và dễ đục ra; nay giản tiện, có hoá chất bôi lên. Ngay cả hiện không cần để thép chờ nữa, khi nối sắt cho cột, dầm sẽ khoan và neo thép vào với hoá chất chuyên dùng. Khi đó, ngôi nhà trong tình trạng xây chờ, tương lai sẽ lên vài lầu nữa nhưng trông gọn gàng và thẩm mỹ hơn.

Không chỉ thu gọn quy mô với giải pháp xây chờ để giảm kinh phí mà chọn vật liệu nào cũng là biện pháp tiết giảm được khá nhiều tiền cho công trình. Theo kiến trúc sư Huỳnh Minh Cảnh, việc nhập tâm với những thương hiệu vật liệu nào đó “nhiều khi trở thành định kiến – phải là xi măng, thép này; ống nhựa, dây điện kia... mới được”. Thực chất, có những nguyên vật liệu cùng loại, giá tương đối rẻ hơn nhưng chất lượng tương đương vẫn thay thế được.

Mỗi loại vật liệu giảm được một số tiền, cả công trình kinh phí sẽ giảm đáng kể. Nhất là phần hoàn thiện chiếm phân nửa giá trị căn nhà hoặc hơn và có một dải dài về giá cả cho các hạng mục này; từ viên gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh cho đến sợi dây điện, cái bóng đèn... đều có nhiều cấp giá. Và vật liệu hoàn thiện đều có thể thay thế khi muốn.

Nguyễn Tâm
Thursday October 16, 2008 - 12:21am (PDT) Permanent Link | 0 Comments

Add BinhHoa Co.,Ltd.'s Blog to your personalized My Yahoo! page:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ