BinhHoa Co.,Ltd.'s Blog Full Post View | List View
Binh Hoa - your own solution!!!
- Điểm nhấn trên tường
-
source
http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=39075&fld=HTMG/2008/0816/39075
Ngày 24.08.2008 Giờ 14:50
Điểm nhấn trên tường
Có nhiều sản phẩm ốp tường dùng để tạo các mảng nhấn, mảng trang trí như mảng màu, mảng ghép hình, bức phù điêu hoặc tranh vẽ
Điểm
Để tạo điểm nhấn cho bức tường, có các loại gạch có bề mặt giống như tráng men bóng trong và có các đường chỉ dát nhũ vàng, nhũ bạc. Bề mặt gạch có các bông hồng nổi có chiều sâu, mảng gạch tạo nên giống như bức mành tre, hoa cúc cành lá chìm, cánh hoa nổi có ánh nhũ.
Gạch mosaic (gạch viên kích thước nhỏ, thường 2 x 2cm hoặc 3 x 3cm…) có nhiều loại như đá, ceramic, thuỷ tinh với các tông màu đa dạng giúp cho sự phối màu dễ dàng. Gạch mosaic có thể tạo các tranh tường theo ý muốn. Những viên gạch này có điểm thêm những vẩy nhũ tạo lung linh. Công nghệ mới còn cho ra những sản phẩm có màu nhũ với nhiều màu như trắng bạc, xám bạc, phù hợp với những căn nhà có phong cách hiện đại và đơn giản.
Mosaic bằng đá không chỉ dùng cho vách mà còn có thể sử dụng ở bồn tắm và các ghế ngồi trong nhà cũng như ngoài trời.
Hoa văn hoa cúc nổi Bức phù điêu ghép gạch của Đăng Hà Mảng
Có những bức phù điêu, tranh treo tường bằng gạch. Thường các bức phù điêu này mang phong cách cổ điển châu Âu. Ngoài ra, còn có các loại phù điêu lớn được ghép bởi nhiều viên gạch như phù điêu hình Ai Cập cổ đại. Khách hàng có thể đặt nhà sản xuất vẽ theo yêu cầu những bức tranh trên gạch bằng chất liệu men, thuỷ tinh, vàng, platin. Hiện nay, Mỹ Đức là công ty có thế mạnh này, với cuộc triển lãm giới thiệu 19 sản phẩm do hoạ sĩ Đinh Cao Sơn thực hiện được tổ chức trong tháng 8.2008.
Thị trường còn có Delcorea là những tấm ốp tường. Chất liệu gồm gỗ tự nhiên, gỗ bọc nhôm, PVC bọc nhôm, MDF dán giấy, formica. Bề mặt được tạo hình lồi lõm như lượn sóng, quả trám, khoét tròn, đường gân... Những nét lồi lõm này sẽ tạo hiệu ứng với ánh sáng tạo nên hình khối. Sản phẩm thích hợp dùng trong một mảng nhỏ mà ta muốn gây sự chú ý như phòng khách, đầu giường, phía sau quầy tiếp tân, tiền sảnh đón khách...
Gạch nhũ vàng của Đăng Hà Tranh vẽ trên gạch của Mỹ Đức Wednesday October 15, 2008 - 01:08am (PDT) Permanent Link | 0 Comments - Cửa của ngôi nhà nhiệt đới
-
source
http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=39786&fld=HTMG/2008/0902/39786
Ngày 02.09.2008 Giờ 17:30
Cửa của ngôi nhà nhiệt đới
Khi xây dựng những biệt thự ở Việt Nam, người Pháp luôn tính đến điều kiện và tác động của khí hậu trong thiết kế. Và cửa cũng là một giải pháp đặc trưng trong kiến trúc này
Cửa trong resort The Nam Hai, công trình được giải thưởng của hội Kiến trúc sư Việt Nam Trong kiến trúc Việt truyền thống, ở những công trình công cộng, có tính hoành tráng như đình chùa hay cung vua, hệ thống cửa thường là những khung cửa rộng, cánh lớn, tạo vẻ bề thế, đáp ứng sự tôn nghiêm và việc ra vào đông người. Những cánh cửa luôn có một khoảng hở phía trên, được tạo ra bởi những con tiện, vừa mang tính trang trí, vừa giảm bớt cái nặng nề của sự đường bệ.
Trong ngôi nhà ở, người ta cũng làm những khung cửa rộng nhiều cánh, nhưng có bệ phía dưới, cao chừng ba tấc để bước qua. Phía trên là những cánh xoay, hoặc tháo lắp được, để linh hoạt trong mọi tình huống, tuỳ theo mùa, theo thời và cách sử dụng từng lúc trong ngày. Khi cần đón gió, cần sáng, hoặc khi nhà có việc ma chay, cưới hỏi, có thể tháo hết cánh, tạo khoảng mở tối đa, không gian trong ngoài được giao hoà, tầm nhìn rộng mở, nhưng không “toang hoác” nhờ cái bệ cửa bên dưới, ma quỷ không dễ mà vào được. Ngoài hàng hiên lại có một lớp giại làm bằng phên tre chắn nắng, lược bớt cái chói sáng gay gắt buổi trưa, hay mưa tạt, gió lùa.
Ở thành phố, thị trấn, huyện lỵ, trong những ô phố cũ, những căn nhà cửa hàng cũng vậy, lớp thị dân có gốc từ làng mang ra phố thị bộ cửa chuyên dụng ấy, rất tiện dụng cho đời sống buôn bán thị thành. Ngày tháo ra thành cửa hiệu, mở mang nơi giao tiếp, tối lắp vào thành nhà ở, kín đáo.
Những ô cửa sổ trong ngôi nhà ở truyền thống rất nhỏ, thường nằm ở phía sau hoặc bên hông nhà. Là phải rồi, vì đấy là những hướng xấu, nắng và gió lạnh. Cốt cho thoáng và lấy sáng một đôi khi. Nhà thôn quê không phải lúng túng chọn hướng vì thế đất, cứ “vợ đàn bà, nhà hướng nam” mà đặt. Mặt tiền hướng tốt rồi thì cửa mở toang.
Cánh ở hướng xấu thường bằng gỗ đặc, đóng là kín, hoặc cửa sổ bật bằng phên tre, nâng lên hạ xuống tuỳ nắng, gió, mưa trong ngày. Mưa nhỏ thì nâng cao, nhiều thì he hé, bão thì sập kín luôn.
Tuy chỉ là những kinh nghiệm dân gian, nhưng đấy là những khung cửa có ý thức về một công năng phù hợp với điều kiện khí hậu, với nhu cầu sử dụng thiết thực của đời sống.
Cửa nhà phố với hoa văn đơn giản bằng sắt, kết hợp gỗ và kính lấy sáng Người Pháp đến Đông Dương và xây dựng ở đây cái “nền” kiến trúc mà ta hay gọi là “thuộc địa”, trong đó họ rất coi trọng điều kiện khí hậu khi thiết kế, xây dựng. Tính nhiệt đới, gió mùa đã được phản ánh rất rõ trong những giải pháp thiết kế và công trình. Ngoài những thành phần kiến trúc như tiền sảnh, mái hiên, hành lang, ô văng... thì các giải pháp về cửa cũng là một hình ảnh đặc trưng cho lối kiến trúc ấy. Những dãy cửa chớp chạy dài ở hành lang kiến trúc công cộng, hay cửa sổ biệt thự hai lớp, trong kính ngoài chớp, trên có ô văng lợp ngói đỡ bằng hệ console gỗ, hoặc ô văng bê tong là một kiểu điển hình.
Một kiểu rất phổ biến nữa là loại cửa được kéo xuống gần, hoặc sát sàn, giữa hai lớp có lan can, tạo cảm giác mở và gần gũi với bên ngoài. Lớp cửa kính dùng khi sử dụng hệ điều hoà không khí, cửa chớp dùng khi muốn thông thoáng tự nhiên. Cửa chớp gỗ là một đặc trưng rất nhiệt đới. Nó luôn tạo ra sự ấm cúng và tính hoài cảm về một thời.
Sự hài hoà về tỷ lệ giữa kích thước ô cửa và bề mặt toà nhà luôn là một chuẩn mực của kiến trúc Pháp cũ. Không có chuyện trổ cửa vô lối, cả về vị trí lẫn kích thước.Những căn biệt thự có cánh cửa sơn nâu, hay xanh lá cây và trắng (ở lớp cửa kính bên trong) đi với cái màu vàng thuộc địa vẫn được sơn đi sơn lại suốt mấy chục năm, như một thứ “đặc sản” nhiệt đới sau những tán lá sấu trên những con phố Hà Nội.
Về mặt kỹ thuật, giải bài toán khí hậu có thể bằng nhiều cách, nhưng để tạo ra cái cảm giác dễ chịu một cách tự nhiên trước những tác động của khí hậu, trước cái nóng cái lạnh tác động vào da thịt, kèm theo một xúc cảm nào đó về mùa, thì ngoài những ô cửa, quả là khó có máy móc hay thiết bị nào làm nổi.
Bài: KTS Tạ Mỹ Dương
Ảnh: Xuân BìnhCửa và trang trí trong một công trình kiến trúc tôn giáo Cửa dạng liếp cho nhà tranh, một loại cửa bây giờ cũng ít gặp ở nông thôn Tấm phên ngoài hiên nhà che cửa bên trong, một dạng thường thấy ở nhà tranh vùng nông thôn miền Bắc Cửa với bậc cửa cao trong kiến trúc tôn giáo Cửa và cổng rào trong kiến trúc khu resort The Nam Hai Một dạng cửa nhà mặt phố đô thị hồi thế kỷ 20 ở đô thị miền Bắc
Loạt bài viết về các loại cửa và quá trình phát triển của chúng, cũng như những chức năng khác của cánh cửa ngoài việc đóng, mở. Cụm bài mua sắm về cửa trên KT& ĐS số 29, phát hành sáng mai 3.9.2008 sẽ cung cấp thông tin đầy đủ cho bạn đọc. Mời bạn đón đọc.
Wednesday October 15, 2008 - 12:57am (PDT) Permanent Link | 0 Comments - Cầu thang lệch tầng cho nhà ống
-
source
http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=40251&fld=HTMG/2008/0911/40251
Ngày 14.09.2008 Giờ 10:06
Cầu thang lệch tầng cho nhà ống
Ngôi nhà phố kích thước 3,3x20m “điển hình” của nhà ống! Trong điều kiện đó, kiến trúc sư đã đặt cầu thang lệch tầng dọc theo ngôi nhà. Một cách xử lý đáng tham khảo
Từ ngoài vào, ngôi nhà phố cũng được chia nhịp theo thứ tự thường thấy ở tầng trệt các căn nhà phố: garage - phòng khách - ô cầu thang - bếp. Tầng trệt có 3 cốt tương ứng lên cao dần tính từ garage. Sự thay đổi độ cao mang đến cảm giác dường như ngôi nhà rộng hơn kích thước thật của nó. Ấn tượng nhất có lẽ là việc bố trí cầu thang “ngang nhiên” ngay giữa nhà, lơ lửng giữa không gian như một chiếc cầu treo, tưởng tượng có thể dễ dàng tháo ráp được. Một vườn khô với những ô hình học được tạo thành từ những viên sỏi khiến chân cầu thang trở nên sinh động. Hai bên thành cầu thang ốp kính chịu lực đẩy ánh sáng của giếng trời xuống đến tận tầng trệt của ngôi nhà. Càng lên trên, chiếc cầu thang ngang ngược ấy lại càng chứng tỏ sự hợp lý với những nhịp nối dài thành hàng lang giữa hai khu vực phía trước và sau.Không gian chức năng trong ngôi nhà đáp ứng đủ nhu cầu hiện tại và hầu như không có phòng trống. Có người đến thăm nhà tặc lưỡi, lỡ thế hệ sau có thêm người ở thì xử lý làm sao chứ? Chủ nhà bảo ấy là lo quá xa. Làm thế nào được sống “tung tẩy” trong căn nhà của chính chúng ta mới là điều đáng quan tâm ở hiện tại. Các phòng ngủ đều được bố trí ở vị trí có thể hứng được ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài hoặc từ giếng trời qua những ô cửa số. Trang thiết bị nội thất đơn giản, có sự thay đổi màu sác rõ rệt khi bước từ không gian này sang không gian khác trong nhà. Ngôi nhà hình ống hẹp chiều ngang, nhưng chủ nhà lại cho rằng có cảm giác chiều ngang đã được “nới rộng” ra, thoải mái để mà giang tay.
Bài: Nguyên Kha
Ảnh: Phan QuangHai bên cầu thang chạy dọc theo nhà là khoảng thông tầng thoáng gió, có ánh sáng Góc nhìn từ cầu thang tầng 2 lên tạo cảm giác cầu thang như “cầu treo” Chân cầu thang được thiết kế hồ cá cảnh vừa hợp phong thuỷ vừa tạo cảnh quan Phòng khách Phòng sinh hoạt chung của gia đình ở lầu 1, nơi nối không gian các phòng lại với nhau Tất cả phòng ngủ được thiết kế có cây xanh và nhìn ra bên ngoài Phòng ngủ nhìn ra giếng trời mặt sau Mặt bằng trệt Mặt bằng lầu 1 Mặt bằng lầu 2 Mặt bằng sân thượng Thiết kế: KTS Nguyễn Thế Toàn
Wednesday October 15, 2008 - 12:40am (PDT) Permanent Link | 0 Comments - Tổ ấm hình vuông
-
source
http://sgtt.com.vn/detail35.aspx?newsid=41552&fld=HTMG/2008/1008/41552
Ngày 09.10.2008 Giờ 14:26
Tổ ấm hình vuông
Cần bao nhiêu mét vuông để có thể xây dựng một tổ ấm? Câu trả lời là chỉ cần 30 mét vuông. Ngôi nhà hình vuông trên diện tích nhỏ, lối vào hẹp vẫn có thể trở thành tổ ấm
Đô thị hoá tự phát bao đời đã dựng nên những xóm phố, nhiều khi có những rẻo đất nhỏ hẹp chèn trong các khu dân cư. Và sự hợp tác chặt chẽ, thông suốt, đồng cảm giữa gia chủ và kiến trúc sư đã “biến” những không gian khiêm tốn đó thành những tổ ấm thực sự, hội đủ công năng sử dụng, khang trang, đẹp và thoáng mát, dù chỉ 30m2.
Ngôi nhà này có lối vào riêng, nhưng chỉ rộng 1,2m và sâu 9m. Ngõ đi độc lập này được trưng dụng kết hợp làm nơi để xe. Chung quanh đều là nhà cao tầng nên lối vào như một trường âm hút gió, tạo thành cái giếng trời trước mặt nhà. Ngôi nhà dù nhỏ nhưng vẫn dành 1/4 diện tích trệt làm một không gian xanh vừa dịu dàng vừa là khoảng thông tầng để đối lưu không khí. Mặt thoáng trên các tầng lầu được tận dụng thiết kế trổ cửa cả ba mặt để khai thác ánh sáng và lưu thoát không khí tối đa. Lối giao thông theo chiều đứng hợp lý, ép sát một phía tường, bước vào mỗi tầng là một phòng chức năng, có nhà vệ sinh riêng.
Bài và ảnh: Nguyễn TâmKTS thiết kế: Nguyễn Văn Châu
Nhà số 120/8 Trần Huy Liệu, Phú Nhuận, TP.HCMTầng trệt diện tích như được nhân đôi nhờ vách kính tráng thuỷ bên vườn kiểng xanh
Phòng khách có màu sắc và đường nét hài hoà tinh tế làm cho không gian nhỏ nhưng trang trọng
Khu vực ăn và bếp ở tầng lửng giao thoa với khoảng thông tầng trông như không gian được nới rộng ra Ngõ vào nhà hẹp và sâu 9m là nơi để xe, là tường âm hút gió Phòng ngủ khai thác tối đa nguồn sáng trời vừa để đối lưu không khí Mặt bằng trệ
Mặt bằng lầu 1 Wednesday October 15, 2008 - 12:34am (PDT) Permanent Link | 0 Comments - Ánh sáng đẹp cho ngôi nhà đẹp
-
source
http://sgtt.com.vn/Detail35.aspx?ColumnId=35&newsid=41561&fld=HTMG/2008/1008/41561
Ngày 14.10.2008 Giờ 15:50
Ánh sáng đẹp cho ngôi nhà đẹp
Ánh sáng vừa là yếu tố kỹ thuật - công năng đáp ứng nhu cầu sử dụng, vừa là phương tiện để kiến trúc sư sáng tạo nên hiệu quả thẩm mỹ, làm tăng giá trị của không gian kiến trúc. Để ngôi nhà có ánh sáng đẹp và hệ thống chiếu sáng tốt không bao giờ là việc dễ dàng. KT&ĐS hệ thống lại về ánh sáng - chiếu sáng nhân tạo và những nguyên tắc chung để mua được bộ đèn chiếu sáng phù hợp
Một không gian dùng nhiều dạng ánh sáng, trong đó thủ pháp tạo tuyến dùng để phân định không gian và định hướng giao thông
Nguồn sáng và ánh sáng
Nguồn sáng
Có hai loại nguồn sáng, đó là nguồn sáng tự nhiên và nguồn sáng nhân tạo.
- Nguồn sáng tự nhiên: được phát ra từ những thực thể phát sáng trong tự nhiên như mặt trời, trăng, sao... mà chủ yếu là nguồn sáng từ mặt trời. Chúng ta không điều khiển được nguồn sáng tự nhiên nhưng có thể thay đổi, điều tiết ánh sáng từ thiên nhiên bằng cách chọn thời điểm, chọn không gian hay những dụng cụ hỗ trợ để điều chỉnh tính chất và cường độ ánh sáng chiếu tới nơi cần chiếu sáng.
- Nguồn sáng nhân tạo: là các loại đèn do con người tạo ra, từ các loại thô sơ nhất là nguồn sáng của lửa đốt như đuốc, nến, đèn dầu... cho tới các loại đèn hiện đại. Với nguồn sáng nhân tạo, ta có thể chủ động bố trí, điều chỉnh được. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ đề cập tới nguồn sáng nhân tạo và chiếu sáng nhân tạo.
Ánh sáng
Có hai dạng ánh sáng: trực tiếp và gián tiếp.
- Ánh sáng trực tiếp (ánh sáng thẳng - direct light): là ánh sáng đi thẳng từ nguồn sáng (đèn) đến môi trường, chủ thể cần chiếu sáng. Ánh sáng trực tiếp có cường độ mạnh, tạo nên bóng đổ rõ sắc nét. Trong công trình kiến trúc, ánh sáng đi qua cửa kính trong suốt cũng được coi là ánh sáng trực tiếp.
- Ánh sáng gián tiếp (indirect light) hay còn gọi là ánh sáng phân tán (diffuse light): là ánh sáng được khuếch tán qua một môi trường khác như đám mây, tấm rèm. Một loại khác của ánh sáng gián tiếp là ánh sáng phản chiếu (bounce light): là loại ánh sáng được chiếu vào bề mặt rồi phản chiếu đến chủ thể. Sự phản chiếu bề mặt này có thể xảy ra nhiều lần trên các bề mặt khác nhau. Ánh sáng gián tiếp đều và dịu, thường không rõ bóng đổ.
Khu bếp có hệ thống chiếu sáng chung từ trần và các phần chiếu sáng tập trung cho bếp, bar
Chiếu sáng trong kiến trúc - nội thất, các dạng chiếu sáng
Ánh sáng và chiếu sáng là một phần rất quan trọng của công trình kiến trúc. Bên cạnh việc đáp ứng cho nhu cầu sử dụng, hệ thống chiếu sáng tốt sẽ làm tăng giá trị thẩm mỹ của công trình và ngược lại. Nếu được nghiên cứu kỹ, một hệ thống chiếu sáng có thể đạt tới tầm nghệ thuật, gây được hiệu quả thị giác và cảm xúc - ngay cả đối với một công trình nhỏ như nhà ở. Trong thiết kế xây dựng nhà ở hiện nay, rất hiếm công trình có hệ thống chiếu sáng đạt tới tầm nghệ thuật, nhưng chất lượng tốt cũng không phải là ít. Đã qua cái thời “chiếu sáng” chỉ là lắp cái bóng đèn. Chiếu sáng bây giờ đòi hỏi cao hơn nhiều về thiết kế và kinh phí. Chất lượng không gian kiến trúc và nội thất được nâng cao, cùng với sự đa dạng phong phú của các chủng loại đèn là những yếu tố tác động lẫn nhau để chiếu sáng không dừng lại ở yếu tố công năng sử dụng, mà còn mang giá trị thẩm mỹ.
Chiếu sáng trong kiến trúc - nội thất có nhiều dạng và có nhiều cách phân loại. Có thể phân loại theo các cách sau:
Phân loại theo tính chất của ánh sáng
Là hai loại chiếu sáng trực tiếp và chiếu sáng gián tiếp.
- Nguồn sáng trực tiếp thường được tạo ra, xuất phát từ các loại đèn trần, đèn tường. Kiểu chiếu sáng này phổ biến và tương đối hiệu quả về công năng. Tuy nhiên, chiếu sáng trực tiếp cũng có nhược điểm là đều và gây nhàm chán, thiếu cảm xúc.
- Chiếu sáng gián tiếp thường được kết hợp để bổ sung cho chiếu sáng trực tiếp, làm ánh sáng trong không gian sinh động hơn. Ánh sáng gián tiếp có thể vẫn được tạo ra từ các loại đèn được che nguồn phát sáng, hay từ các ô, các khe trần - tường hắt ra và phản xạ. Cách làm này thường được kết hợp cùng giải pháp nội thất khác. Ánh sáng gián tiếp dịu nhẹ, tạo được hiệu quả thẩm mỹ, không gây chói cho người sinh hoạt trong không gian đó.
Phòng ăn có hệ thống chiếu sáng chung trực tiếp và gián tiếp dùng đèn neon/compact và đèn chiếu sáng tập trung bóng nhiệt quang
Phân loại theo mục đích chiếu sáng
- Chiếu sáng chung là dạng chiếu sáng đều khắp, đảm bảo cho các sinh hoạt và giao thông. Chiếu sáng chung có thể sử dụng ánh sáng trực tiếp hay gián tiếp song cần bố trí đủ, đều, không quá chói. Nguồn sáng chung nên dùng màu trắng.
- Chiếu sáng tập trung (chiếu sáng cục bộ) để phục vụ cho các không gian làm việc hay sinh hoạt đặc thù. Chiếu sáng tập trung rất quan trọng bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công việc và sức khoẻ, tâm lý người sử dụng. Ví dụ: chiếu sáng cho khu vực nấu bếp, chiếu sáng bàn ăn, bàn làm việc... Chiếu sáng tập trung cần tính toán kỹ về cường độ sáng, màu sắc và đặc thù ánh sáng để chọn đèn cho phù hợp. Chiếu sáng tập trung nhất thiết sử dụng nguồn sáng trực tiếp.
- Chiếu sáng trang trí nhằm mục đích tăng giá trị thẩm mỹ của không gian kiến trúc - nội thất. Chiếu sáng trang trí có thể đặc tả, làm nổi bật hình khối, chi tiết nội thất như trần, tường hay tranh, ảnh, phù điêu, tượng...; nhưng cũng có thể chỉ tạo nên những mảng sáng, quầng sáng thuần tuý, kết hợp với bóng đổ để tạo hiệu quả thị giác. Chiếu sáng trang trí thường sử dụng ánh sáng vàng và có thể dùng cả ánh sáng trực tiếp và gián tiếp.
Tuy nhiên, mọi phân loại đều chỉ mang tính tương đối. Nếu biết kết hợp thì một hệ thống đèn có thể đảm nhận nhiều mục đích. Ví dụ như chiếu sáng chung dùng ánh sáng gián tiếp qua các hệ thống khe, mảng hắt ở trần, tường. Nếu kết hợp tốt với thiết kế các thành phần nội thất khác thì cũng mang yếu tố trang trí, thẩm mỹ. Căn cứ vào mục đích và tính chất chiếu sáng cũng như cụ thể không gian cần chiếu sáng, người thiết kế có thể linh hoạt đưa ra nhiều giải pháp theo nguyên lý và các thủ pháp chiếu sáng như chiếu sáng diện, điểm, tuyến...
Thiết kế chiếu sáng
Thiết kế một hệ thống chiếu sáng có nghĩa là phân bổ, sắp xếp các loại đèn trong không gian kiến trúc - nội thất để tạo nên hiệu quả sử dụng và thẩm mỹ phù hợp. Gần đây, việc thiết kế chiếu sáng phần nào được chú ý đúng mức, khác với trước kia, phần chiếu sáng thường ở nội dung thiết kế điện, thậm chí nằm chung bản vẽ mặt bằng bố trí với các thiết bị điện khác, do kỹ sư điện đảm nhiệm. Khi chưa có một chuyên ngành chiếu sáng riêng, với những chuyên gia am hiểu về thẩm mỹ kiến trúc, vật lý kiến trúc và kỹ thuật điện, thì việc phối hợp giữa kiến trúc sư và kỹ sư điện là cần thiết để đưa ra giải pháp hệ thống chiếu sáng phù hợp trên nhiều phương diện.
Kiến trúc sư phải là người đưa ra những ý tưởng cơ bản nhất cho thiết kế chiếu sáng: theo nguyên lý chiếu sáng nào, mục đích chiếu sáng là gì, dùng ánh sáng loại gì, màu sắc, vị trí nguồn sáng... Từ đó mới hình thành cơ sở để chọn những kiểu đèn, loại bóng đèn phù hợp. Một thiết kế chiếu sáng không tốt có thể làm hỏng không gian, hay thiết kế quá phức tạp có thể gây lãng phí và khó khăn khi sử dụng.
Chiếu sáng chung dùng đèn nhiệt quang, kết hợp tạo điểm nhấn trang trí trên bề mặt
Sắm đèn là đi mua nguồn sáng
Ở góc độ tiêu dùng, mua đèn là đi mua nguồn sáng. Vì lẽ đó đèn chất lượng có nghĩa là đèn phải có nguồn sáng chất lượng (chứ không phải hình thức cái đèn). Vai trò của kiến trúc sư rất quan trọng trong thiết kế chiếu sáng, tư vấn đúng cho khách hàng lựa chọn loại đèn phù hợp. Một thiết kế chiếu sáng tốt phải đảm bảo công năng sử dụng, thẩm mỹ, bền vững và kinh tế. Kiến trúc sư cần làm rõ cho khách hàng hiểu về việc sử dụng đúng, phù hợp với nhu cầu để có những chọn lựa đúng.
Trong thực tế, việc mua đèn - mua nguồn sáng thường do chủ nhà tự làm. Và kết quả thường sai lệch nhiều so với thiết kế (dù chỉ ở dạng nguyên lý). Khi sang giai đoạn hoàn thiện công trình, chủ nhà thường nhìn những đầu “dây chờ” mà đi mua đèn, không hiểu rõ vị trí đèn này sử dụng với mục đích gì, cần dạng ánh sáng thế nào. Một sai lầm khi đi mua đèn là thường chỉ căn cứ vào kiểu dáng mà ít quan tâm đến yếu tố tính chất ánh sáng cũng như các thông số kỹ thuật như công suất, nguồn điện. Kết quả là đèn đẹp nhưng ánh sáng... xấu. Có một tình huống nữa là làm theo quy trình ngược: xem đèn rồi chọn mua, bảo thợ đi dây vào những vị trí muốn treo...
Vấn đề cốt lõi cho cả người thiết kế và chủ nhà là phải hiểu nguyên tắc chiếu sáng cơ bản để “mua nguồn sáng” phù hợp. Tất nhiên chủ nhà cũng có quyền tham gia vào việc lựa chọn bởi họ là người sử dụng và hiểu rõ mình có nhu cầu chiếu sáng như thế nào. Nhưng cuối cùng thì cũng phải đạt được tiêu chí chiếu sáng đúng cách, đúng chỗ.
Một chiếc đèn rất đắt tiền nhưng nếu đặt sai chỗ, sai mục đích chiếu sáng sẽ không hiệu quả và lãng phí. Một bộ đèn chùm có thể rất đẹp nhưng nếu dùng bóng đèn compact sẽ làm mất đi vẻ lung linh huyền ảo. Một bức tranh/ảnh đặt dưới ánh đèn neon trắng sẽ cho màu sắc nhợt nhạt không trung thực... Khi đã hiểu được mục đích chiếu sáng và nắm rõ tính chất các loại đèn/bóng đèn thì rõ ràng việc đi “mua nguồn sáng” sẽ dễ dàng hơn nhiều.
“Chơi” sáng đúng cách
“Chơi sáng” ở đây được hiểu ở cả hai góc độ: thiết kế - lắp đặt và sử dụng hệ thống chiếu sáng. Và điều mấu chốt là ánh sáng đẹp chứ không phải đèn đẹp!
Chiếu sáng trang trí bằng đèn nhiệt quang và halogen, đặc tả các chi tiết kết cấu trong nội that
“Chơi sáng” đúng cách nghĩa là có một hệ thống chiếu sáng hợp lý, thẩm mỹ, kinh tế. Nếu quá tiết kiệm thì có thể sẽ thiếu sáng. Giải pháp thông thường là tăng công suất bóng song không hữu hiệu vì nguồn sáng sẽ phân bố không đều. Ngược lại, nếu quá nhiều đèn sẽ gây tốn kém không cần thiết và thậm chí quá sáng, loạn sáng gây khó chịu. Đây được gọi là tình trạng “ô nhiễm ánh sáng”. Trong thực tế, có những thiết kế thiếu và thừa như vậy. Việc phối hợp các nguồn sáng với nhau để tạo ra các dạng chiếu sáng đan xen trong mỗi tình huống, trong từng trường hợp sinh hoạt cụ thể là một cách “chơi” đầy khoa học.
“Chơi sáng” ở phía người sử dụng là biết vận dụng hệ thống chiếu sáng trong những tình huống sinh hoạt, làm việc cụ thể để đạt được hiệu quả công năng và thẩm mỹ, đồng thời tiết kiệm điện và giữ cho các bóng đèn bền lâu. Nhiều người vì tiết kiệm điện nên hay bật đèn neon thay vì bật đèn sợi đốt. Nhưng nếu chỉ bật trong một thời gian ngắn rồi tắt thì sẽ làm giảm tuổi thọ đèn. Có người luôn bật quá nhiều đèn để làm sang nhưng dễ gây tình trạng “ô nhiễm ánh sáng” như đã nói ở trên. Có trường hợp có hệ thống chiếu sáng rất tốt, rất thẩm mỹ nhưng lại “lười” không “chơi”, chỉ bật những đèn sáng tối thiểu. Đó là sự lãng phí ở góc độ đầu tư. Người biết “chơi sáng” là biết bật đèn gì vào lúc nào. Ví dụ như tiếp khách xã giao nên bật đèn chiếu sáng chung để nhìn rõ mặt, sáng đều hai phía; nhưng nếu khách thân mật, nói chuyện tâm tình có thể chỉ sử dụng chiếu sáng trang trí. Khi nghe nhạc không nên bật quá nhiều đèn vì sẽ bị phân tâm với cảm nhận thị giác hơn là thính giác; khi ăn nhất thiết phải bật đèn bàn ăn (đèn thả) để nhìn rõ và tăng sự hấp dẫn của món ăn; khi soi gương, trang điểm phải bật đèn gương để nhìn màu cho chuẩn...
Một vấn đề khác liên quan đến việc “chơi sáng” là bố trí hệ thống công tắc phải hợp lý, dễ tìm, dễ nhận biết và dễ nhớ. Các công tắc nên phân tán theo đúng các khu vực và theo tuyến giao thông để tránh nhầm lẫn. Việc bật nhầm đèn thường xuyên sẽ gây tâm lý rất khó chịu và làm giảm tuổi thọ bóng đèn. Đã có rất nhiều các trường hợp mật độ bố trí công tắc quá dày trên một vị trí (do quá nhiều đèn, hoặc do khi thi công ngại đi dây sang tuyến khác...) nên gia chủ cũng không nhớ nổi và phải lấy bút ghi lên mặt hạt là công tắc gì cho đèn nào. Đây là một điều nên tránh trong cả quá trình thiết kế và thi công.
Nhưng dù “chơi sáng” kiểu gì, thì khi ra khỏi phòng, ra khỏi nhà, bạn nhớ kiểm tra đã tắt đèn hay chưa.
Bài và ảnh: KTS Nguyễn Trần Đức AnhChiếu sáng trang trí cho tranh, dùng đèn halogen Chiếu sáng trang trí dùng đèn halogen theo thủ pháp chiếu diện Đèn chiếu sáng trang trí sử dụng bóng nhiệt quang Chiếu sáng trang trí dùng đèn halogen, nổi bật chủ thể, dùng ánh sáng phản xạ từ bề mặt trần Wednesday October 15, 2008 - 12:25am (PDT) Permanent Link | 0 Comments
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét